Quyền và nghĩa vụ của người thi hành công vụ gây thiệt hại được quy định như thế nào hiện nay?
Nội dung chính
Quyền và nghĩa vụ của người thi hành công vụ gây thiệt hại được quy định như thế nào hiện nay?
Theo quy định tại Điều 14 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (có hiệu lực ngày 01/07/2018) thì người thi hành công vụ gây thiệt hại có quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Người thi hành công vụ gây thiệt hại có quyền sau đây:
a) Được nhận văn bản, quyết định về việc giải quyết yêu cầu bồi thường liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật này;
b) Tố cáo hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật về tố cáo; khiếu nại, khởi kiện quyết định hoàn trả và kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật về khiếu nại, pháp luật về tố tụng hành chính;
c) Quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ sau đây:
a) Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp thông tin, tài liệu của mình;
b) Tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường và quá trình xác định trách nhiệm hoàn trả theo yêu cầu của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;
c) Hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;
d) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, so với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 thì quyền và nghĩa vụ của người thi hành công vụ gây thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 được quy định cụ thể hơn (mặc dù bản chất không thay đổi quá nhiều), cụ thể là có sự quy định rõ ràng về trách nhiệm của người thi hành công vụ gây thiệt hại, họ phải tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường và quá trình xác định trách nhiệm hoàn trả theo yêu cầu của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Trên đây là nội dung tư vấn về quyền và nghĩa vụ của người thi hành công vụ gây thiệt hại. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.