Quyền và nghĩa vụ của Người đại diện vốn của EVN tại doanh nghiệp khác đươc quy định cụ thể như thế nào?
Nội dung chính
Quyền và nghĩa vụ của Người đại diện vốn của EVN tại doanh nghiệp khác đươc quy định cụ thể như thế nào?
Quyền và nghĩa vụ của Người đại diện vốn của EVN tại doanh nghiệp khác được quy định tại Điều 38 Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 10/2017/NĐ-CP như sau:
1. Người đại diện cho EVN thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cổ đông, bên góp vốn, bên liên doanh tại công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác. Trường hợp EVN nắm giữ cổ phần hoặc vốn góp chi phối của công ty con, thì Người đại diện sử dụng quyền chi phối để định hướng công ty con thực hiện mục tiêu chiến lược và những vấn đề quan trọng khác do EVN giao.
2. Tham gia ứng cử vào bộ máy quản lý, điều hành của công ty con, công ty liên kết theo Điều lệ của doanh nghiệp đó.
3. Theo dõi, giám sát tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật, điều lệ doanh nghiệp. Thực hiện báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của EVN về tình hình kết quả hoạt động kinh doanh, vấn đề tài chính của công ty con, việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng thành viên EVN giao.
4. Theo dõi, đôn đốc và thực hiện thu hồi vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác gồm: Vốn cho người lao động vay để mua cổ phần, bán chịu cổ phần cho người lao động, chia cổ phần cho người lao động để hưởng cổ tức, chuyển nhượng cổ phần của Nhà nước, thu hồi cổ tức, các lợi ích và các khoản được chia khác từ vốn góp vào doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc EVN về tình hình thực hiện, kết quả hoạt động kinh doanh, tài chính và tình hình hoạt động, hiệu quả sử dụng phần vốn góp của EVN tại các công ty có cổ phần, vốn góp của EVN.
6. Thực hiện các nhiệm vụ do Hội đồng thành viên EVN giao.
7. Chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên EVN về quản lý phần vốn góp, hiệu quả sử dụng vốn góp của EVN tại doanh nghiệp được giao trực tiếp quản lý phần vốn góp và việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ do Chủ sở hữu giao. Trường hợp Người đại diện, Kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát, Người theo dõi phần vốn của EVN tại doanh nghiệp khác không bảo toàn và phát triển được vốn của EVN tại doanh nghiệp khác mà lỗi được xác định là do chủ quan gây nên thì những người này phải bồi thường thiệt hại cho EVN và chịu các hình thức kỷ luật phù hợp khác theo quy định của EVN và của pháp luật.
8. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ của doanh nghiệp được giao trực tiếp quản lý phần vốn góp của EVN và nhiệm vụ do EVN giao.
9. Người đại diện phải thực hiện quyền của cổ đông, thành viên góp vốn, bên liên doanh một cách cẩn trọng theo đúng chỉ đạo của Hội đồng thành viên EVN, nhất là trong trường hợp là cổ đông, bên góp vốn chi phối.
10. Người đại diện được quyết định các vấn đề của công ty con, công ty liên kết do mình làm đại diện phần vốn theo phân cấp của Hội đồng thành viên EVN và chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên EVN.
11. Người đại diện phải xin ý kiến bằng văn bản để Hội đồng thành viên EVN có nghị quyết hoặc quyết định trước khi tham gia biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng thành viên của công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác về các nội dung sau:
a) Phương hướng, chiến lược phát triển, kế hoạch đầu tư, kinh doanh dài hạn và hàng năm của công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác.
b) Bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh quản lý chủ chốt của công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác.
c) Sửa đổi, bổ sung điều lệ của công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác.
d) Tăng, giảm vốn điều lệ của công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác.
đ) Phương án chia lợi tức của công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp khác.
e) Mua, bán tài sản hoặc huy động vốn giá trị lớn cần có biểu quyết của cổ đông hoặc bên góp vốn và các nội dung khác theo quy định của EVN.
g) Trường hợp nhiều người cùng là đại diện của EVN tham gia Hội đồng thành viên của công ty có cổ phần, vốn góp của EVN thì Hội đồng thành viên chỉ định người phụ trách để chủ trì tổ chức bàn bạc, thống nhất ý kiến và xin ý kiến của Hội đồng thành viên EVN trước khi biểu quyết.
h) Người đại diện tham gia ban quản lý điều hành doanh nghiệp khác phải nghiên cứu đề xuất phương hướng, biện pháp hoạt động của mình tại doanh nghiệp khác để trình Hội đồng thành viên EVN phê duyệt.
i) Người đại diện tại công ty con có cổ phần, vốn góp chi phối của EVN phải có trách nhiệm hướng dẫn công ty con đi đúng mục tiêu, định hướng của EVN và Nhà nước, sử dụng quyền chi phối hoặc phủ quyết để quyết định việc bổ sung ngành nghề kinh doanh tại doanh nghiệp khác. Khi phát hiện doanh nghiệp đi chệch mục tiêu, định hướng của EVN, Nhà nước phải báo cáo ngay EVN. Sau khi được đại diện chủ sở hữu vốn thông qua cần tổ chức thực hiện ngay để nhanh chóng hướng công ty con đi đúng mục tiêu, định hướng đã xác định.
12. Tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Người đại diện EVN tại doanh nghiệp khác: Thực hiện theo Quy chế nội bộ do EVN xây dựng phù hợp các quy định hiện hành của Chính phủ hướng dẫn về việc trích lập, quản lý quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
13. Người đại diện ngoài việc tuân thủ các quy định tại Quy chế này còn phải tuân thủ các quy định khác của EVN có liên quan đến Người đại diện.
14. Trường hợp Người đại diện, Kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát, Người theo dõi phần vốn của EVN tại doanh nghiệp khác không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định, lợi dụng quyền đại diện phần vốn góp hoặc cổ phần, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho EVN và doanh nghiệp khác thì phải chịu trách nhiệm về sai phạm và bồi thường thiệt hại vật chất theo quy định của pháp luật và Quy chế này.
Trên đây là quy định về Quyền và nghĩa vụ của Người đại diện vốn của EVN tại doanh nghiệp khác. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 10/2017/NĐ-CP.