Quyền sử dụng đất có phải là tài sản đấu giá? Các điều kiện và lợi ích khi đấu giá quyền sử dụng đất?
Nội dung chính
Quyền sử dụng đất có được là tài sản đấu giá không?
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định tài sản đấu giá như sau:
Tài sản đấu giá
1. Tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm:
a) Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
b) Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật;
c) Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
d) Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;
đ) Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
e) Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
g) Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;
h) Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
i) Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;
k) Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
l) Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;
m) Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;
n) Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;
o) Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;
p) Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.
2. Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này.
Như vậy, theo quy định hiện hành thì tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì có thể là tài sản đấu giá.
Quyền sử dụng đất có được là tài sản đấu giá? Các điều kiện và lợi ích khi đấu giá quyền sử dụng đất? (Hình từ internet)
Các điều kiện để tiến hành tham gia đấu giá quyền sử dụng đất là gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 125 Luật Đất đai 2024 quy định điều kiện để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm:
- Đất đã được thu hồi và hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc không phải bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trong khu vực dự án có hạ tầng giao thông đã được kết nối;
- Có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được phê duyệt vào mục đích sử dụng để đấu giá quyền sử dụng đất, trừ trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 Luật Đất đai 2024;
- Có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập và phê duyệt đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở;
- Có phương án đấu giá quyền sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đấu giá quyền sử dụng đất được những lợi ích gì?
Đấu giá quyền sử dụng dất có những lợi ích sau đây:
Thứ nhất, đất được đấu giá quyền sử dụng sẽ được Nhà nước trực tiếp đảm bảo, người tham gia đấu giá không sợ đất thuộc diện tranh chấp, quy hoạch treo. Vị trí mảnh đất tốt, cơ sở hạ tầng xung quanh đầy đủ, đạt tiêu chuẩn.
Thứ hai, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo sự bình đẳng giữa các cá nhân hoặc công ty kinh doanh trong tiếp cận quỹ đất của địa phương cho nhu cầu sinh hoạt và kinh doanh của mình.
Thứ ba, hình thức đấu giá quyền sử dụng đất có tính bảo mật cao, tính công khai, minh bạch.
Thứ tư, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Góp phần thu hút vốn của các cá nhân, doanh nghiệp trong phát triển hạ tầng đô thị, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
Thứ năm, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất giúp cho việc quản lý, phân bổ, sử dụng đất đai của Nhà nước, của các cơ quan có thẩm quyền tăng hiệu quả đáng kể.