Quy trình kiểm kê khí thải nhà kính ngành Xây dựng được thực hiện như thế nào từ 05/02/2025?
Nội dung chính
Quy trình kiểm kê khí thải nhà kính ngành Xây dựng được thực hiện như thế nào từ 05/02/2025?
Ngày 20/12/2024, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 13/2024/TT-BXD về quy trình, quy định kỹ thuật kiểm kê khí thải nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành xây dựng, có hiệu lực thi hành từ ngày 05/02/2025.
Trong đó, căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư 13/2024/TT-BXD, quy trình kiểm kê khí thải nhà kính ngành xây dựng được thực hiện theo các bước như sau:
(1) Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính.
(2) Xác định phương pháp thu thập số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính.
(3) Thu thập số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính.
(4) Lựa chọn hệ số trong tính toán phát thải khí nhà kính.
(5) Tính toán phát thải khí nhà kính.
(6) Kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính.
(7) Đánh giá độ không chắc chắn kết quả kiểm kê khí nhà kính.
(8) Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính.
(9) Xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính.
(10) Thẩm định và nộp kết quả kiểm kê khí nhà kính.
Quy trình kiểm kê khí thải nhà kính ngành Xây dựng được thực hiện như thế nào từ 05/02/2025? (Hình từ Internet)
Việc kiểm kê khí thải nhà kính phải đáp ứng những yêu cầu gì theo quy định của pháp luật?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 06/2022/NĐ-CP thì việc kiểm kê khí nhà kính phải đáp ứng những yêu cầu như sau:
(1) Phương pháp kiểm kê khí nhà kính được áp dụng theo các hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu;
(2) Số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính phải đảm bảo tính liên tục, độ chính xác và tin cậy, có thể kiểm tra, so sánh và đánh giá;
(3) Báo cáo kiểm kê khí nhà kính phải thể hiện đầy đủ thông tin về phương pháp kiểm kê, số liệu hoạt động, hệ số phát thải áp dụng và kết quả kiểm kê khí nhà kính;
(4) Thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính tuân thủ trình tự thẩm định do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, đảm bảo tính nhất quán và độ tin cậy;
(5) Thông tin về kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia, lĩnh vực được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu và các lĩnh vực liên quan.
Nhà nước có những chính sách gì về bảo vệ môi trường?
Căn cứ quy định tại Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nhà nước có những chính sách về bảo vệ môi trường như sau:
(1) Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.
(2) Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường.
(3) Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.
(4) Ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư.
(5) Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách nhà nước với tỷ lệ tăng dần theo khả năng của ngân sách nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ trọng điểm về bảo vệ môi trường.
(6) Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.
(7) Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.
(8) Tôn vinh, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
(9) Mở rộng, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế và thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.
(10) Thực hiện sàng lọc dự án đầu tư theo tiêu chí về môi trường; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn của chiến lược, quy hoạch, chương trình và dự án đầu tư.
(11) Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội.