Quỹ nhà ở quốc gia được hình thành từ nguồn ngân sách nào?
Nội dung chính
Quỹ nhà ở quốc gia được hình thành từ nguồn ngân sách nào?
Ngày 29/05/2025, Quốc hội ban hành Nghị quyết 201/2025/QH15 thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Nghị quyết 201/2025/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/06/2025 và được thực hiện trong 05 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.
Cụ thể, căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Nghị quyết 201/2025/QH15 quy định về quỹ nhà ở quốc gia cụ thể như sau:
Điều 4. Quỹ nhà ở quốc gia
1. Quỹ nhà ở quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Quỹ nhà ở quốc gia bao gồm: quỹ nhà ở trung ương do Chính phủ thành lập, quỹ nhà ở địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.
2. Quỹ nhà ở quốc gia được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, tiền trích từ số tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, từ tiền bán nhà ở thuộc tài sản công, từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 12 của Nghị quyết này; tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và nguồn huy động hợp pháp khác.
3. Quỹ nhà ở quốc gia để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tạo lập nhà ở xã hội để cho thuê, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê.
Như vậy, quỹ nhà ở quốc gia được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, tiền trích từ số tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, từ tiền bán nhà ở thuộc tài sản công, từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 12 Nghị quyết 201/2025/QH15;
-Tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và nguồn huy động hợp pháp khác.
Quỹ nhà ở quốc gia được hình thành từ nguồn ngân sách nào? (Hình từ Internet)
Đề xuất nghiên cứu thành lập Quỹ nhà ở quốc gia nhằm mục đích gì?
Căn cứ Chỉ thị 05/CT-TTg năm 2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, Thủ tướng đã yêu cầu thúc đẩy đầu tư tư nhân, thu hút FDI như sau:
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM, ĐỘT PHÁ
[...]
4. Về thúc đẩy đầu tư tư nhân, thu hút FDI
[...]
c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
- Tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia.
d) Bộ Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021-2030”; các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; thúc đẩy giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi về phát triển nhà ở xã hội; phấn đấu đến hết năm 2025, hoàn thành trên 100 nghìn căn nhà ở xã hội và xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu thành lập “quỹ nhà ở quốc gia” để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn, nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi.
Theo đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất nghiên cứu thành lập quỹ nhà ở quốc gia để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn, nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi năm 2025
Chính sách phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở được quy định thế nào?
Các chính sách phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở được quy định cụ thể tại Điều 4 Luật Nhà ở 2023 bao gồm:
(1) Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người đều có chỗ ở thông qua việc thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, bao gồm nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của cá nhân, gia đình, hỗ trợ vốn để cải tạo, xây dựng lại nhà ở; Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư công (sau đây gọi chung là vốn đầu tư công) để cho thuê, cho thuê mua.
(2) Nhà nước có trách nhiệm tạo quỹ đất ở thông qua phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị và nông thôn.
(3) Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách về quy hoạch, đất đai, tài chính, tín dụng, về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, vật liệu xây dựng mới để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê theo cơ chế thị trường.
(4) Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính về đất đai, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, cơ chế ưu đãi tài chính khác và hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
(5) Nhà nước có chính sách khuyến khích việc nghiên cứu và ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với từng loại nhà ở phù hợp với từng khu vực, từng vùng, miền; có chính sách khuyến khích phát triển nhà ở tiết kiệm năng lượng.
(6) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm quy hoạch, bố trí diện tích đất, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(7) Nhà nước có chính sách về quản lý, sử dụng nhà ở bảo đảm hiệu quả, an toàn, đúng mục đích và công năng sử dụng của nhà ở.