Quy hoạch về năng lượng và chiếu sáng của thành phố Thủ Đức đến năm 2040 như thế nào?
Nội dung chính
Quy hoạch về năng lượng và chiếu sáng của thành phố Thủ Đức đến năm 2040 như thế nào?
Ngày 21/01/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 202/QĐ-TTg năm 2025 về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, có hiệu lực thi hành từ ngày 21/01/2025.
Trong đó, căn cứ quy định tại điểm d khoản 10 Điều 1 Quyết định 202/QĐ-TTg năm 2025, quy hoạch về năng lượng và chiếu sáng của thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 được xác định như sau:
(1) Nguồn điện:
- Nguồn điện cấp cho thành phố Thủ Đức được lấy từ hệ thống truyền tải điện quốc gia thông qua các trạm 220/110kV hiện có: Cát Lái - 2x250MVA; Công nghệ cao 2x250MVA; Thủ Đức - 3x250MVA; Hiệp Bình Phước - 2x250MVA; Tân Cảng: 2x250MVA.
- Đầu tư xây dựng mới các trạm biến áp nguồn 500kV, 220kV tuân thủ theo các định hướng của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: 500kV Thủ Đức, 220kV Quận 9, 220kV Thủ Thiêm.
- Tiếp tục cải tạo nâng cấp kết hợp xây dựng mới các trạm 110kV và đường dây đấu nối, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho phụ tải khu vực.
(2) Lưới điện truyền tải: Các tuyến điện 220kV, 110kV xây dựng mới bố trí đi ngầm. Giai đoạn đến năm 2030 thực hiện hạ ngầm các tuyến đường dây 220kV, 110kV hiện hữu chạy dọc theo đường Vành đai 2, Vành đai 3 và các tuyến đường giao thông chính của thành phố. Giai đoạn sau năm 2030, tổ chức hạ ngầm toàn bộ các tuyến đường dây 220kV, 110kV còn lại.
(3) Lưới điện phân phối:
- Lưới trung thế được thiết kế mạch vòng, vận hành hở; ngầm hóa lưới điện trung thế trên các tuyến đường phố chính, tuyến phố cảnh quan trong khu vực.
- Lưới điện hạ thế: Ngầm hóa lưới điện hạ thế hiện hữu đồng bộ với ngầm hóa lưới điện trung thế, mạng lưới điện hạ thế xây dựng mới được định hướng xây dựng ngầm. Lưới điện hạ thế có bán kính cấp điện phù hợp nhằm tránh độ sụt áp cuối đường dây quá định mức cho phép.
(4) Hành lang bảo vệ lưới điện và công trình cấp điện: Mạng lưới truyền tải (500kV, 220kV, 110kV), mạng lưới phân phối (22kV), các trạm biến áp nguồn hiện có và xây mới phải được đảm bảo hành lang an toàn lưới điện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
(5) Chiếu sáng đô thị:
- Đầu tư mới hệ thống điện chiếu sáng giao thông trên các trục đường quy hoạch mới theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
- Đối với các công trình giao thông đầu tư mới yêu cầu phải sử dụng đèn hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.
- Đối với các ngã ba, ngã tư, tại các nút giao thông đồng mức và khác mức cần phải bố trí các đèn pha tăng cường cường độ chiếu sáng cho các nút giao thông.
- Chiếu sáng cảnh quan cần đảm bảo thẩm mỹ và tránh gây ô nhiễm ánh sáng; sử dụng tổng thể giải pháp từ thiết kế, xây dựng, lựa chọn thiết bị, quản lý vận hành để đảm bảo tiết kiệm năng lượng.
(6) Quy hoạch hệ thống năng lượng khác:
- Nguồn năng lượng mặt trời: Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà ở trên địa bàn thành phố Thủ Đức sử dụng điện mặt trời mái nhà theo hình thức tự sản, tự tiêu. Khai thác tiềm năng điện mặt trời mái nhà tại trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố Thủ Đức để tăng cường việc sử dụng năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà.
- Nguồn điện từ chất thải rắn: Khuyến khích đầu tư, xây dựng 02 nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại phường Long Bình và phường Linh Xuân thành phố Thủ Đức, đảm bảo quy định về môi trường.
Quy hoạch về năng lượng và chiếu sáng của thành phố Thủ Đức đến năm 2040 như thế nào? (Hình từ Internet)
Nhà nước có những chính sách gì về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới?
Căn cứ quy định tại khoản 9 Điều 5 Luật Điện lực 2024, Nhà nước có những chính sách về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới như sau:
(1) Phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống điện với giá thành điện năng hợp lý, đồng bộ với phát triển lưới điện và quy hoạch phát triển điện lực, phù hợp với trình độ công nghệ, nguồn nhân lực, đáp ứng mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam trong từng thời kỳ;
(2) Có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho từng loại hình nguồn điện, trong đó có các dự án thủy điện nhỏ được xác định theo quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi; khuyến khích đầu tư các dự án tham gia thị trường điện cạnh tranh.