Quy định về yêu cầu đối với thang máy trong nhà chung cư

Phần sở hữu chung của nhà chung cư có bao gồm hệ thống thang máy của nhà chung cư không?

Nội dung chính

    Quy định về yêu cầu đối với thang máy trong nhà chung cư

    Theo tiểu mục 2.4 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 04:2021/BXD về nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BXD, các nhà chung cư phải đảm bảo đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về thang máy nhằm đảm bảo an toàn, tiện nghi cho cư dân:

    (1) Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp từ 5 tầng trở lên phải có tối thiểu 1 thang máy, từ 10 tầng trở lên phải có tối thiểu 2 thang máy và đảm bảo lưu lượng người sử dụng theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng.

    CHÚ THÍCH: Trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp có thang máy, tối thiểu phải có 1 thang máy chuyên dụng có kích thước thông thủy của cabin đảm bảo vận chuyển băng ca cấp cứu.

    (2) Cần bố trí tối thiểu 1 thang máy cho 200 người cư trú trong tòa nhà không kể số người ở tầng 1 (tầng trệt) hoặc trường hợp tính toán theo số căn hộ thì cần bố trí tối thiểu 1 thang máy cho 70 căn hộ.

    Tải trọng nâng của một thang máy phải không nhỏ hơn 450 kg.

    Trong trường hợp nhà có một thang máy, tải trọng nâng tối thiểu của thang máy không nhỏ 630 kg.

    (3) Đối với nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp có chiều cao PCCC lớn hơn 50 m hoặc nhà có chiều sâu của sàn tầng hầm dưới cùng (tính đến cao độ của lối ra thoát nạn ra ngoài) lớn hơn 9 m, mỗi khoang cháy của nhà phải có tối thiểu một thang máy đáp ứng yêu cầu vận chuyển lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo TCVN 6396-72:2010 và TCVN 6396-73:2010.

    (4) Chiều rộng sảnh thang máy chở người phải bố trí phù hợp theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng.

    (5) Thang máy phải có thiết bị bảo vệ chống kẹt cửa, bộ cứu hộ tự động và hệ thống điện thoại nội bộ từ cabin ra ngoài. Thang máy chỉ được hoạt động khi tất cả các cửa thang đều đóng.

    (6) Tải trọng nâng, tốc độ của thang máy phải đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng.

    (7) Thang máy phải đảm bảo an toàn theo QCVN 02:2019/BLĐTBXH và được kiểm định an toàn trước khi đưa vào sử dụng trong trường hợp sau:

    - Sau khi lắp đặt;

    - Sau khi tiến hành sửa chữa lớn;

    - Sau khi xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng và đã khắc phục xong;

    - Hết hạn kiểm định hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn lao động.

    (8) Gian đặt máy và thiết bị thang máy phải có lối lên xuống, vào ra thuận tiện, an toàn và không được bố trí trực tiếp trên căn hộ. Giếng thang phải đảm bảo yêu cầu cách âm theo QCXDVN 05:2008/BXD và chống ồn theo QCVN 26:2010/BTNMT.

    (9) Không được bố trí bể nước trực tiếp trên giếng thang máy và không cho các đường ống cấp nước, cấp nhiệt, cấp gas đi qua giếng thang máy.

    (10) Thang máy phải đảm bảo người cao tuổi, người khuyết tật tiếp cận sử dụng theo QCVN 10:2014/BXD.

    Quy định về yêu cầu đối với thang máy trong nhà chung cư (Hình từ Internet)

    Phần sở hữu chung của nhà chung cư có bao gồm hệ thống thang máy của nhà chung cư không?

    Theo khoản 21 Điều 3 Luật Nhà ở 2023 thì phần sở hữu chung của nhà chung cư là phần diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư và trang thiết bị sử dụng chung cho nhà chung cư đó theo quy định của Luật này.

    Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư theo khoản 1 Điều 142 Luật Nhà ở 2023 bao gồm:

    - Phần diện tích trong căn hộ, bao gồm cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó;

    - Phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư;

    - Hệ thống trang thiết bị sử dụng riêng gắn liền với căn hộ hoặc gắn liền với phần diện tích khác thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư, trừ các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại khoản 2 Điều 142 Luật Nhà ở 2023, trong đó có:

    “Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị sử dụng chung trong nhà chung cư bao gồm: khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật và tường bao hộp kỹ thuật (nếu có), hệ thống cấp điện, cấp nước, cấp ga, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, hệ thống phòng cháy, chữa cháy và các phần khác không thuộc phần sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư;”

    Như vậy, hệ thống thang máy trong nhà chung cư thuộc phần sở hữu chung trong nhà chung cư đó.

    Trách nhiệm và bồi thường khi xảy ra sự cố thang máy

    Căn cứ Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015, khi xảy ra sự cố thang máy tại nhà chung cư, trách nhiệm bồi thường sẽ được xác định dựa trên nguyên nhân xảy ra sự cố và đối tượng gây thiệt hại. Một số trường hợp cụ thể:

    - Do bên quản lý chung cư không bảo trì: Ban quản lý không thực hiện bảo trì thang máy dù cư dân đã đóng các khoản phí dịch vụ, Ban quản lý sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

    - Do đơn vị cung cấp dịch vụ bảo trì, sửa chữa: Nếu sự cố xảy ra do lỗi của bên sửa chữa thang máy (lắp đặt sai, bảo trì không đạt yêu cầu), bên này phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

    - Do người sử dụng thang máy: Nếu sự cố xảy ra do hành vi sai phạm của người sử dụng (như phá hoại, sử dụng sai cách), người này sẽ không được bồi thường thiệt hại và phải bồi thường cho người khác do hành vi của mình gây ra.

    - …

    Nguyên tắc bồi thường, xác định thiệt hại thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, các quy định khác có liên quan.

    59