Quy định về việc ra quyết định giải thể đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như thế nào?

Quy định về việc ra quyết định giải thể đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như thế nào? Quy định về Hội đồng giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ?

Nội dung chính

    Quy định về quyết định giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ? 

    Căn cứ quy định tại Điều 42 Nghị định 23/2022/NĐ-CP quy định về quyết định giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như sau:

    - Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp bị giải thể;

    - Lý do giải thể;

    - Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;

    - Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;

    - Họ tên, chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty doanh nghiệp bị giải thể.

    Lưu ý:  Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định giải thể doanh nghiệp, quyết định này phải được gửi đến doanh nghiệp bị giải thể và:

    - Người lao động trong doanh nghiệp;

    - Cơ quan, tổ chức đề nghị giải thể doanh nghiệp;

    - Các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích có liên quan trong trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán;

    - Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về lĩnh vực tài chính, kế hoạch đầu tư đối với doanh nghiệp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giải thể;

    - Cơ quan thuế trực tiếp quản lý việc thu thuế doanh nghiệp;

    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cục Thống kê, phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp bị giải thể đặt trụ sở chính và phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

    Quy định về việc ra quyết định giải thể đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như thế nào? (Hình Internet)

    Quy định về Hội đồng giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ?

    Căn cứ quy định tại Điều 43 Nghị định 23/2022/NĐ-CP quy định Hội đồng giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như sau:

    (1) Người có thẩm quyền quyết định giải thể doanh nghiệp thành lập Hội đồng giải thể doanh nghiệp. Hội đồng giải thể có chức năng tham mưu cho người quyết định giải thể về việc tổ chức thực hiện giải thể doanh nghiệp. Thành phần Hội đồng giải thể thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

    (2) Hội đồng giải thể của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập gồm đại diện các cơ quan sau:

    - Người đứng đầu cơ quan được giao thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu là Chủ tịch Hội đồng giải thể doanh nghiệp;

    - Đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội;

    - Đại diện các tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp bị giải thể;

    - Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bị giải thể;

    - Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời thêm đại diện các cơ quan, tổ chức khác tham gia Hội đồng giải thể.

    (3) Hội đồng giải thể của doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập hoặc được giao quản lý gồm đại diện các cơ quan sau:

    - Đại diện của cơ quan đại diện chủ sở hữu là Chủ tịch Hội đồng giải thể doanh nghiệp;

    - Đại diện của đơn vị trực thuộc hoặc cơ quan chuyên môn thuộc cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm quản lý về lĩnh vực tài chính, kế hoạch, lao động;

    - Đại diện các tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp bị giải thể;

    - Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bị giải thể;

    - Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời thêm đại diện các cơ quan, tổ chức khác tham gia Hội đồng giải thể.

    Quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng giải thể khi giải thể doanh nghiệp do Nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ?

    Căn cứ quy định tại Điều 44 Nghị định 23/2022/NĐ-CP quy định quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như sau:

    - Hội đồng giải thể được sử dụng con dấu của doanh nghiệp để phục vụ công tác giải thể và yêu cầu các cơ quan nhà nước có liên quan hỗ trợ việc thu hồi tài sản.

    - Sau khi có quyết định giải thể và đăng báo giải thể doanh nghiệp, Hội đồng giải thể có trách nhiệm:

    + Thu hồi con dấu của doanh nghiệp bị giải thể để phục vụ việc giải thể;

    + Tổ chức giải thể doanh nghiệp theo Quyết định giải thể đã được phê duyệt; cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản của doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ doanh nghiệp có quy định khác; việc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp bị giải thể thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 5 Điều 208 Luật Doanh nghiệp;

    + Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc giải thể và thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp, Hội đồng giải thể phải lập báo cáo tài chính về giải thể doanh nghiệp, trình người quyết định giải thể doanh nghiệp; lập hồ sơ giải thể doanh nghiệp theo các nội dung quy định tại Điều 210 Luật Doanh nghiệp và gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi đã đăng ký doanh nghiệp.

    Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
    24
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ