Quy chuẩn quốc gia quy định sơ cứu trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?
Nội dung chính
Quy chuẩn sơ cứu trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?
Tại Tiết 2.18.3 Tiểu mục 2.18 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng QCVN 18:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD quy chuẩn sơ cứu trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như sau:
- Tại công trường, người sử dụng lao động phải đảm bảo luôn có bộ phận y tế sẵn sàng 24/24 giờ để thực hiện sơ cứu và xử lý sơ bộ các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người lao động do gặp tai nạn hoặc bị ốm theo các quy định của pháp luật về ATVSLĐ và y tế.
- Việc thiết lập bộ phận y tế (nhân sự, cơ sở vật chất) phải được thể hiện bằng văn bản và phải được thống nhất với các tổ chức đại diện của người lao động.
CHÚ THÍCH: Yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ bộ phận y tế xem 2.18.3.6.
- Trong trường hợp người lao động có nguy cơ gặp phải các yếu tố nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của họ (ví dụ: bị đuối nước, chịu áp suất cao, ngạt do khí độc, điện giật), người làm nhiệm vụ sơ cứu phải thành thạo về kỹ thuật hồi sức, các kỹ thuật cứu sinh khác và quy trình cứu nạn phù hợp với loại tai nạn lao động.
- Thiết bị cứu nạn và hồi sức phải phù hợp với yêu cầu. Cáng cứu thương phải có sẵn tại công trường.
Quy chuẩn quốc gia quy định sơ cứu trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào? (Hình từ internet)
Quy chuẩn bộ (hộp) dụng cụ sơ cứu trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?
Tại Tiểu tiết 2.18.3.5 Tiết 2.18.3 Tiểu mục 2.18 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng QCVN 18:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD quy chuẩn bộ (hộp) dụng cụ sơ cứu trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như sau:
- Bộ (hộp) dụng cụ sơ cứu phải:
+ Được trang bị tại nơi làm việc kể các vị trí tách biệt như đường đi phục vụ bảo trì (nếu phù hợp), trên các phương tiện vận chuyển, máy, thiết bị thi công khác;
+ Được bảo vệ chống ô nhiễm do bụi, hơi ẩm, dầu mỡ, hóa chất và những yếu tố khác có thể làm hư hỏng chúng;
+ Không được chứa bất cứ thứ gì khác ngoài vật tư, dụng cụ sử dụng cho sơ cứu;
+ Bên trong, có sẵn các hướng dẫn đơn giản, rõ ràng và những việc phải tuân thủ;
+ Được người quản lý bộ phận y tế hoặc người làm nhiệm vụ sơ cứu thường xuyên kiểm tra và bảo quản đúng cách.
- Yêu cầu về cơ sở vật chất và nhân lực của bộ phận y tế công trường phải căn cứ vào số lượng người lao động làm việc trong một ca bất kỳ theo quy định của pháp luật về y tế và phải căn cứ vào các loại tai nạn có thể có trên công trường để chuẩn bị vật tư, trang thiết bị y tế phù hợp. Bộ phận y tế phải do người có trình độ, đủ điều kiện theo quy định quản lý và chịu trách nhiệm.
CHÚ THÍCH 1: Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế quy định: Nếu có hơn 300 người làm việc trở lên thì phải bố trí khu vực sơ cứu, cấp cứu riêng; các yêu cầu về nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất khác của khu vực sơ cứu, cấp cũng được quy định chi tiết trong Thông tư này.
CHÚ THÍCH 2: Nếu người lao động phải làm việc dưới nước ở độ sâu hơn 10 m mà không có máy, thiết bị lặn chuyên dụng hoặc làm việc trong môi trường khí nén có áp suất cao thì phải trang bị buồng điều áp hoặc thiết bị điều áp.
Trân trọng!