Quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước được quy định như thế nào?

Quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều này?

Nội dung chính

    Quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước được quy định như thế nào?

    Quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước được quy định tại Điều 9 Nghị định 24/2016/NĐ-CP Quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước như sau:

    1. Các rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước, bao gồm:
    a) Rủi ro thanh toán: Là loại rủi ro phát sinh khi nguồn thu ngân quỹ nhà nước không đáp ứng đủ các nhiệm vụ chi ngân quỹ nhà nước; hoặc do các Khoản sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi theo quy định tại Điều 7 Nghị định này chưa đến kỳ hạn thu hồi; hoặc các Khoản vay, phát hành tín phiếu không đủ để đảm bảo các nhiệm vụ chi của ngân quỹ nhà nước.
    b) Rủi ro trong hoạt động sử dụng ngân quỹ nhà nước: Là loại rủi ro phát sinh khi các Khoản sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi theo quy định tại Điều 7 Nghị định này không có khả năng thu hồi kịp thời và đầy đủ (gốc, lãi) khi đến hạn; hoặc do có sự biến động bất lợi về lãi suất trên thị trường tiền tệ hoặc sự biến động bất lợi về tỷ giá hối đoái.
    c) Các loại rủi ro khác: Là loại rủi ro phát sinh do đánh giá chưa chính xác mức độ ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi hoặc ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt; hoặc do hệ thống công nghệ thông tin bị trục trặc; hoặc do các sự kiện bất khả kháng khác.
    2. Kho bạc Nhà nước đánh giá rủi ro nhằm:
    a) Nhận dạng rủi ro và đánh giá khả năng ảnh hưởng của các rủi ro đến hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước.
    b) Việc đánh giá rủi ro được thực hiện thường xuyên theo tháng, quý, năm để có biện pháp quản lý ngân quỹ nhà nước và phòng ngừa rủi ro phù hợp; đồng thời, định kỳ báo cáo Bộ Tài chính để có những chỉ đạo kịp thời, đảm bảo hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước luôn được an toàn.
    3. Biện pháp phòng ngừa rủi ro:
    a) Quy định hạn mức tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương.
    b) Quy định hạn mức tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách cấp tỉnh; trong đó, hạn mức tạm ứng cho từng ngân sách cấp tỉnh phải đảm bảo nguyên tắc tổng số dư nợ tạm ứng và các Khoản dư nợ huy động khác của ngân sách cấp tỉnh không vượt quá mức được phép huy động tối đa theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước đối với ngân sách cấp tỉnh đó.
    c) Quy định hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại.
    d) Quy định hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ.
    đ) Xác định định mức tồn ngân quỹ nhà nước tối thiểu mà Kho bạc Nhà nước phải duy trì số dư trên tài Khoản thanh toán tập trung để đảm bảo an toàn khả năng thanh toán, chi trả cho ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch.
    4. Kho bạc Nhà nước triển khai đầy đủ, đồng bộ các biện pháp để giảm thiểu và phòng ngừa đối với các rủi ro trong quản lý ngân quỹ nhà nước, cụ thể:
    a) Chỉ được sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi cho các Mục đích đã được quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này; đồng thời, tuân thủ các hạn mức được quy định tại Khoản 3 Điều này.
    b) Kho bạc Nhà nước thực hiện tự kiểm tra, giám sát nội bộ theo quy trình quy định về quản lý ngân quỹ nhà nước sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt.
    c) Xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để việc quản lý ngân quỹ nhà nước luôn được an toàn và theo đúng quy định.
    d) Thực hiện các biện pháp giảm thiểu và phòng ngừa rủi ro khác.

    Trên đây là quy định về Quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước theo Nghị định 24/2016/NĐ-CP.

    14