Pháp luật hình sự quy định về tội vứt bỏ con mới đẻ như thế nào? Tội vứt bỏ con mới đẻ có thể bị kết án tử hình không?
Nội dung chính
Tội vứt bỏ con mới đẻ theo Bộ Luật hình sự 2015 được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 124 Bộ Luật hình sự 2015 thì người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Từ quy định này có thể thấy, dấu hiệu cơ bản của tội phạm: Chủ thể của tội này chỉ là mẹ của nạn nhân khi người mẹ vì ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà buộc phải vứt bỏ đứa con do mình mới đẻ ra. Nếu vì lý do khác mà vứt bỏ con do mình mới đẻ ra thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu là ảnh hưởng của tư tưởng cũ đã lỗi thời, không còn phù hợp với quan niệm về cuộc sống, lối sống hiện tại.
Nạn nhân của tội vứt bỏ con mới đẻ là đứa trẻ do chủ thể sinh ra trong vòng 07 ngày tuổi. Kể từ ngày thứ 8 trở đi thì đứa trẻ đó không được coi là vứt bỏ con mới đẻ nữa.
Pháp luật hình sự quy định về tội vứt bỏ con mới đẻ như thế nào? Tội vứt bỏ con mới đẻ có thể bị kết án tử hình không? (Hình từ Internet)
Tội vứt bỏ con mới đẻ có thể bị kết án tử hình không?
Cũng theo Điều 124 nêu trên thì quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội phạm này.
1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Quy định pháp luật về tội giết người là gì?
Theo quy định tại Điều 123 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì:
Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Từ quy định này có thể thấy, dấu hiệu pháp lý được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội giết người theo Điều 123 Bộ Luật hình sự 2015 là:
Khách thể: Khách thể của tội giết người là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người.
Chủ thể: Là bất kỳ ai có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt khách quan: Có hành vi làm chết người khác, dùng mọi thủ đoạn nhằm làm cho người khác chấm dứt cuộc sống. Hành vi làm chết người được thực hiện thông qua các hình thức hành động hoặc không hành động.
Mặt chủ quan: Lỗi cố ý nhằm mục đích giết chết nạn nhân.
Trân trọng!