Nội dung chi hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự được quy định như thế nào?

Nội dung chi các khoản hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự được quy định như thế nào? Văn bản nào quy đinh về nội dung này?

Nội dung chính

    Nội dung chi hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự được quy định như thế nào?

    Nội dung chi hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự được quy định tại Điều 12 Thông tư 200/2016/TT-BTC quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, quy định về nội dung chi hoạt động của các cơ quan thi hành án như sau:

    1. Các khoản chi thanh toán cho cá nhân: Tiền lương, tiền công, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp), tiền thưởng, phúc lợi tập thể và các khoản thanh toán khác cho cá nhân theo quy định.
    2. Chi thanh toán dịch vụ công cộng, chi vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc, chi phí thuê mướn, chi mua sách báo, tài liệu phục vụ công tác.
    3. Chi hội nghị, công tác phí trong nước, chi các đoàn đi công tác nước ngoài và đón các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam, chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn.
    4. Các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn, gồm:
    a) Chi trang phục cho các chấp hành viên, thẩm tra viên, công chức khác và những người khác làm công tác thi hành án dân sự;
    b) Chi tàu xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ nghỉ cho những người không hưởng lương ngân sách nhà nước tham gia công tác xác minh thi hành án và thông báo thi hành án theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự;
    c) Chi thuê người dẫn đường trong quá trình thực hiện xác minh, thông báo thi hành án. Chi thuê phiên dịch tiếng dân tộc trong trường hợp đương sự là người dân tộc thiểu số của Việt Nam mà không biết tiếng Việt và trường hợp đương sự là người nước ngoài;
    d) Chi thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế;
    đ) Chi phí thuê phòng chống cháy nổ (nếu có);
    e) Chi thuê địa điểm, phương tiện bán tài sản, hàng hóa; thuê công ty bán đấu giá tài sản theo hợp đồng (nếu có);
    g) Chi thuê bảo quản vật chứng, tài sản thi hành án dân sự;
    h) Chi tiêu hủy vật chứng, tài sản:
    - Chi bồi dưỡng cho hội đồng tiêu hủy vật chứng.
    - Chi thuê chuyên gia, tổ chức để thực hiện tiêu hủy vật chứng, tài sản đối với trường hợp tiêu hủy các loại hóa chất độc hại hoặc các vật chứng, tài sản khác mà cần thiết phải có các trang thiết bị chuyên dùng để thực hiện việc tiêu hủy đảm bảo an toàn và không làm ảnh hưởng đến môi trường tại nơi tiêu hủy.
    - Chi phí vận chuyển vật chứng, tài sản đến nơi tiêu hủy; chi thuê địa điểm tiêu hủy, mua nhiên liệu, các khoản chi khác phục vụ cho việc tiêu hủy.
    i) Chi thuê giám định, chi xác minh điều kiện thi hành án dân sự;
    k) Chi thông báo về thi hành án dân sự trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí gửi bưu điện, bưu phẩm, thông báo trực tiếp;
    l) Chi thuê chuyên gia tư vấn đối với vụ án phức tạp. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm xác định các vụ án phức tạp cần thuê chuyên gia tư vấn;
    m) Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp thực hiện việc kê biên, tạm giữ khẩn cấp tài sản khi tiến hành kê biên, tạm giữ khẩn cấp tài sản theo yêu cầu của Tòa án; áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án;
    n) Chi bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia công tác thi hành án dân sự;
    o) Chi phí đăng tải công khai thông tin của người phải thi hành án;
    p) Các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn khác theo quy định;
    q) Chi thực hiện công tác tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật.
    5. Chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên và sửa chữa lớn tài sản cố định.
    6. Chi phục vụ công tác thu phí thi hành án dân sự từ nguồn phí thi hành án dân sự được để lại thực hiện theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục thu, nộp, miễn, giảm, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự theo nguyên tắc không trùng với nguồn ngân sách nhà nước cấp.
    7. Các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án do ngân sách nhà nước bảo đảm được quy định tại Điều 7 Chương II Thông tư này.
    8. Khoản tiền đặt trước mà người trúng đấu giá tài sản từ chối mua sau khi phiên đấu giá kết thúc hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản tiền nào quy định tại khoản 5 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP được sử dụng để thanh toán các khoản theo thứ tự sau đây:
    a) Lãi suất chậm thi hành án của vụ việc liên quan đến bảo đảm tài chính và bồi thường Nhà nước;
    b) Ứng chi phí bồi thường Nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước;
    c) Bảo đảm tài chính để thi hành án;
    d) Các chi phí cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

    Như vậy cơ quan thi hành án dân sự không chỉ có khác khoản thu mà còn có các khoản chi để thực hiện tốt nhiệm vụ vai trò của cơ quan thi hành án. 

    Trên đây là quy định về nội dung chi hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự theo Thông tư 200/2016/TT-BTC.

    12