Những dịch vụ nào bị cấm kinh doanh theo quy định pháp luật?

Cho tôi hỏi những dịch vụ nào bị cấm kinh doanh theo quy định pháp luật?

Nội dung chính

    Những dịch vụ nào bị cấm kinh doanh theo quy định pháp luật?

    Trên tinh thần của Nghị định 59/2006/NĐ-CP thì danh mục dịch vụ bị cấm kinh doanh gồm có:

    1) Kinh doanh mại dâm, tổ chức mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em

    2) Tổ chức đánh bạc, gá bạc dưới mọi hình thức

    3) Dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

    4) Hoạt động kinh doanh môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích kiếm lời

    5) Hoạt động kinh doanh môi giới nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích kiếm lời.

    Hoạt động khởi nghiệp là gì? Người bao nhiêu tuổi thì được thành lập công ty? (Hình từ Internet)

    Quảng cáo dịch vụ bị cấm kinh doanh thì có được xem là hành vi cấm?

    Tại Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 quy định về cản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo như sau:

    Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo

    1. Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

    2. Thuốc lá.

    3. Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.

    4. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.

    5. Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.

    6. Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.

    7. Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

    8. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.

    Tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như sau:

    Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo

    1. Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 7 của Luật này.

    2. Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.

    3. Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

    4. Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.

    5. Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

    6. Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.

    7. Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.

    ...

    Theo đó, việc quảng cáo dịch vụ bị cấm kinh doanh theo quy định pháp luật là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, khi có hành vi quảng cáo dịch vụ bị cấm kinh doanh thì sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

    Quảng cáo dịch vụ bị cấm kinh doanh thì bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?

    Theo Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh như sau:

    Vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo

    ...

    2. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    a) Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định;

    b) Quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục;

    c) Quảng cáo súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

    3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

    Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

    Tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:

    Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức

    ...

    2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 5, 6 và 7 Điều 10; các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 10a; điểm a khoản 2, các khoản 3, 5 và 6, các điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 14; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 21; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 23; khoản 1 Điều 24; các Điều 30, 38, 39 và 40 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.

    ...

    Theo đó, đối với hành vi quảng cáo dịch vụ bị cấm kinh doanh sẽ có mức xử phạt hành chính như sau:

    [1] Đối với cá nhân: từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng

    [2] Đối với tổ chức: từ 140.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng

    Ngoài ra chủ thể có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo.

    Trân trọng!

    200