Nhãn khoanh đất điều tra trong nội dung bản đồ điều tra thực địa được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Nhãn khoanh đất điều tra trong nội dung bản đồ điều tra thực địa được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 11/2024/TT-BTNMT có quy định về nội dung bản đồ điều tra thực địa.
Theo đó, nội dung của bản đồ điều tra thực địa có bao gồm nhãn khoanh đất điều tra được quy định như sau:
- Nhãn khoanh đất điều tra chất lượng đất, thoái hóa đất thể hiện thông tin điều tra theo thứ tự: ký hiệu viết tắt tên địa danh; số thứ tự khoanh đất (thể hiện bằng chữ số Ả Rập, từ 01 đến hết trong phạm vi điều tra, thứ tự đánh số từ trái sang phải, từ trên xuống dưới); ký hiệu loại thổ nhưỡng; ký hiệu địa hình.
- Nhãn khoanh đất điều tra ô nhiễm đất cấp vùng thể hiện thông tin điều tra theo thứ tự: ký hiệu viết tắt tên địa danh; số thứ tự khoanh đất (thể hiện bằng chữ số Ả Rập, từ 01 đến hết trong phạm vi điều tra, thứ tự đánh số từ trái sang phải, từ trên xuống dưới); ký hiệu loại đất, tên đơn vị hành chính cấp xã.
- Nhãn khoanh đất điều tra ô nhiễm đất cấp tỉnh thể hiện thông tin điều tra theo thứ tự: ký hiệu viết tắt tên địa danh; số thứ tự khoanh đất (thể hiện bằng chữ số Ả Rập, từ 01 đến hết trong phạm vi điều tra, thứ tự đánh số từ trái sang phải, từ trên xuống dưới); ký hiệu loại đất; ký hiệu nguồn gây ô nhiễm.
Nhãn khoanh đất điều tra trong nội dung bản đồ điều tra thực địa được quy định như thế nào? (Ảnh từ Internet)
Nội dung bảo vệ, cải tạo và phục hồi đất bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 54 Luật Đất đai 2024 như sau:
Bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất
1. Nội dung bảo vệ, cải tạo và phục hồi đất bao gồm:
a) Phân loại các khu vực đất đã được khoanh vùng theo quy định tại điểm c khoản 1, điểm c khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 53 của Luật này;
b) Tổng hợp, xác định phạm vi, mức độ cần bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất theo từng khu vực đất đã được phân loại tại điểm a khoản này;
c) Lập kế hoạch và lộ trình thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất đã được xác định tại điểm b khoản này;
d) Xác định các biện pháp kỹ thuật, giải pháp kinh tế, xã hội kèm theo các phân tích để lựa chọn phương án tối ưu và quyết định phương án thực hiện;
đ) Lập báo cáo kết quả thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất;
e) Giám sát, kiểm soát quá trình xử lý, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất.
2. Lập bản đồ các khu vực đất đã thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; xây dựng và cập nhật dữ liệu về bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
3. Kiểm soát các khu vực đất bị thoái hóa, ô nhiễm chưa được bảo vệ, cải tạo, phục hồi theo quy định khoản 1 Điều này bao gồm khoanh vùng, cảnh báo, không cho phép hoặc hạn chế hoạt động trên đất nhằm giảm thiểu tác động xấu đến đất.
Như vậy, nội dung bảo vệ, cải tạo và phục hồi đất bao gồm:
- Phân loại các khu vực đất đã được khoanh vùng;
- Tổng hợp, xác định phạm vi, mức độ cần bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất theo từng khu vực đất đã được phân loại;
- Lập kế hoạch và lộ trình thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất đã được xác định;
- Xác định các biện pháp kỹ thuật, giải pháp kinh tế, xã hội kèm theo các phân tích để lựa chọn phương án tối ưu và quyết định phương án thực hiện;
- Lập báo cáo kết quả thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất;
- Giám sát, kiểm soát quá trình xử lý, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất.
Trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 55 Luật Đất đai 2023 có quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất.
Theo đó, trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất được quy định như sau:
(1) Chính phủ quy định chi tiết việc điều tra, đánh giá đất đai, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất và quy định điều kiện năng lực của tổ chức dịch vụ tư vấn điều tra, đánh giá đất đai.
(2) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan thực hiện các nhiệm vụ như:
- Quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai; kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất;
- Xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc;
- Tổ chức thực hiện, phê duyệt và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng kinh tế - xã hội và theo chuyên đề;
- Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất thoái hóa nặng liên vùng, liên tỉnh; kế hoạch bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với khu vực đất bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.
(3) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
- Tổ chức thực hiện, phê duyệt và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai của địa phương; xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất bị thoái hóa, ô nhiễm trên địa bàn; cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai;
- Thống kê và công bố các khu vực đất bị ô nhiễm; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu xử lý, cải tạo và phục hồi đất ở khu vực đất bị ô nhiễm trên địa bàn.
(4) Các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai; bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất được thực hiện bằng nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.
(5) Kết quả điều tra, đánh giá đất đai phải được phê duyệt trong năm thực hiện kiểm kê đất đai để làm căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất các cấp. Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm công bố công khai kết quả điều tra, đánh giá đất đai trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.