Nguyên tắc nào được áp dụng trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư?
Nội dung chính
Dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại khu chung cư là gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 98/2024/NĐ-CP thì Dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại khu chung cư là dự án phá dỡ từ 02 khối nhà chung cư độc lập quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 98/2024/NĐ-CP trở lên trên cùng một khu đất, bao gồm cả nhà ở riêng lẻ, các công trình hiện hữu khác (nếu có) để xây dựng lại khu chung cư, công trình khác đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch được phê duyệt nhằm mục tiêu bố trí tái định cư hoặc kết hợp tái định cư và kinh doanh nhà ở, dịch vụ thương mại theo quy định của Nghị định 98/2024/NĐ-CP.
Nguyên tắc nào được áp dụng trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc nào được áp dụng trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư?
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 98/2024/NĐ-CP thì các nguyên tắc được trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bao gồm:
- Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung thành phần hồ sơ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, không được yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ theo quy định của Luật nhà ở 2023 và Nghị định 98/2024/NĐ-CP; việc nộp hồ sơ của tổ chức, cá nhân để thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của Nghị định 98/2024/NĐ-CP được thực hiện thông qua nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến.
- Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ khi giải quyết thủ tục hành chính thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ có thông báo 01 lần bằng văn bản cho nhà đầu tư về nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung giấy tờ còn thiếu đối với mỗi bộ hồ sơ và thời hạn sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Quá thời hạn sửa đổi, bổ sung hồ sơ mà nhà đầu tư không sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ xem xét dừng giải quyết hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư biết rõ lý do.
Trường hợp yêu cầu phải giải trình nội dung trong hồ sơ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ có thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và ghi rõ thời hạn giải trình. Quá thời hạn giải trình mà nhà đầu tư không thực hiện giải trình theo yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ xem xét dừng giải quyết hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư biết rõ lý do.
- Thời gian sửa đổi, bổ sung, giải trình hồ sơ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Nghị định 98/2024/NĐ-CP không tính vào thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 98/2024/NĐ-CP.
- Việc lấy ý kiến giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính được thực hiện như sau:
+ Cơ quan lấy ý kiến phải xác định nội dung đề nghị có ý kiến phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được lấy ý kiến và thời hạn trả lời theo quy định của Luật nhà ở 2023 và Nghị định 98/2024/NĐ-CP;
+ Trong thời hạn quy định tại điểm a khoản 5 Điều 4 Nghị định 98/2024/NĐ-CP, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời và chịu trách nhiệm về nội dung ý kiến thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó; quá thời hạn quy định mà không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý với nội dung thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đó.
- Cơ quan tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó.
- Căn cứ điều kiện giải quyết của từng thủ tục hành chính, tổ chức, cá nhân có liên quan có thế thực hiện đồng thời các thủ tục hành chính hoặc phải thực hiện tuần tự các thủ tục hành chính theo quy định.
Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư gồm những nội dung nào?
Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được lập riêng cho từng dự án và tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 98/2024/NĐ-CP sẽ bao gồm các nội dung sau đây:
- Đánh giá hiện trạng nhà chung cư, khu chung cư; tình hình sử dụng nhà chung cư, khu chung cư của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trên cơ sở điều tra xã hội học, khảo sát thực tế tại nhà chung cư, khu chung cư cần cải tạo, xây dựng lại;
- Tên, địa điểm nhà chung cư, khu chung cư cần thực hiện cải tạo, xây dựng lại, trong đó xác định thời gian phá dỡ đối với từng loại nhà chung cư quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Nhà ở 2023.
Trường hợp cải tạo, xây dựng lại khu chung cư thì phải dự kiến thời gian thực hiện di dời, phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư đầu tiên của khu chung cư, dự kiến thời gian thực hiện di dời, phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư còn lại trong khu chung cư đó;
- Dự kiến phạm vi, quy mô của dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Dự kiến sơ bộ về các nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời, bố trí tái định cư;
- Dự kiến thời gian thực hiện dự án, thời gian hoàn thành dự án;
- Dự kiến nguồn vốn để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, khu chung cư trên địa bàn; trường hợp sử dụng nguồn vốn đầu tư công thì phải có trong kế hoạch vốn đầu tư công của địa phương đã được phê duyệt;
- Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà chung cư và các cơ quan chức năng của địa phương trong việc thực hiện kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.