Người lao động tự ý bỏ việc bao lâu thì bị xử lý kỷ luật sa thải?

Người lao động tự ý bỏ việc bao lâu thì bị xử lý kỷ luật sa thải? Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong trường hợp nào? Nghỉ không phép bị sa thải có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

Nội dung chính

    Người lao động tự ý bỏ việc bao lâu thì bị xử lý kỷ luật sa thải?

    Căn cứ Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải:

    Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

    Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:

    1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;

    2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;

    3. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;

    4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

    Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

    Như vậy, thời gian người lao động tự ý bỏ việc bao lâu thì bị xử lý kỷ luật sa thải phụ thuộc vào số ngày tự ý bỏ việc cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 365 ngày mà không có lý do chính đáng. Cụ thể:

    - Tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày thì bị xử lý kỷ luật sa thải hoặc

    - Tự ý bỏ việc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày thì bị xử lý kỷ luật sa thải.

    Tuy nhiên, người lao động có lí do chính đáng thì không bị xử lý kỷ luật sa thải. Những lý do chính đáng, bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

    Người lao động tự ý bỏ việc bao lâu thì bị xử lý kỷ luật sa thải? (Hình từ Internet)

    Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong trường hợp nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong trường hợp sau đây:

    - Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động.

    - Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã có thời gian điều trị như sau mà khả năng lao động chưa hồi phục:

    + 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

    + 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

    + Quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng

    - Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

    - Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động;

    - Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định;

    - Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

    - Người lao động cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

    Nghỉ không phép bị sa thải có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

    Theo Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

    Điều kiện hưởng

    Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

    1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

    a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

    b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

    2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

    3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

    4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

    a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

    b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

    c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

    d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

    đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

    e) Chết.

    Theo đó, điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp là:

    [1] Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và không thuộc các trường hợp sau:

    - Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;

    - Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

    [2] Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ thời gian theo quy định tương ứng với từng đối tượng;

    [3] Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm

    [4] Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trừ một số trường hợp theo luật định

    Như vậy, theo quy định về điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì không có điều kiện loại trừ đối với trường hợp người lao động nghỉ không phép bị sa thải.

    Do đó, người lao động nghỉ không phép bị sa thải chỉ cần đáp ứng được các điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

     

    Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
    868
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ