Nghị định sửa đổi quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định ra sao?

Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Sắp tới sẽ ban hành Nghị định sửa đổi quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn? Quy trình tiêm chủng được tiến hành theo các bước nào?

Nội dung chính

    Nghị định sửa đổi quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định ra sao?

    Mới đây Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 98/NQ-CP năm 2023 quy định về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nội dung cụ thể như sau:

    Tổ chức thực hiện

    1. Giao Bộ Y tế:

    a) Hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch, xác định nhu cầu vắc xin theo từng chủng loại, cơ cấu vắc xin cần thiết, danh mục, lộ trình tiếp nhận từng loại vắc xin đảm bảo lộ trình tăng số lượng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng theo Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ thống nhất trong toàn quốc, để làm cơ sở xác định nhu cầu, bố trí kinh phí; quản lý và sử dụng vắc xin theo quy định.

    Tổ chức mua vắc xin tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời và an toàn.

    b) Căn cứ kế hoạch, nhu cầu vắc xin tiêm chủng mở rộng năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024 của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Y tế xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo vắc xin tiêm chủng mở rộng cho toàn quốc năm 2023 gửi Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 7 năm 2023 để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế thực hiện.

    c) Trong tháng 7 năm 2023, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn, đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội.

    2. Giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, rà soát, báo cáo nhu cầu vắc xin tiêm chủng mở rộng năm 2023 gửi Bộ Y tế trước ngày 12 tháng 7 năm 2023 để tổng hợp.

    3. Giao Bộ Tài chính, trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ, nhu cầu kinh phí mua vắc xin tiêm chủng mở rộng cho toàn quốc năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024 do Bộ Y tế báo cáo, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước và điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước; thời gian trình trước ngày 20 tháng 7 năm 2023.

    Như vậy, trong tháng 7/2023, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn, đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị quyết 99/2023/QH15 năm 2023.

     

    Nghị định sửa đổi quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định ra sao? (Hình ảnh từ Internet)

    Quy trình tiêm chủng được tiến hành theo các bước nào?

    Tại Điều 5 Nghị định 104/2016/NĐ-CP có quy định hoạt động tiêm chủng được tiến hành như sau:

    Quy trình tiêm chủng

    1. Việc tiêm chủng phải thực hiện đầy đủ các bước sau:

    a) Trước khi tiêm chủng: Khám sàng lọc, tư vấn cho đối tượng tiêm chủng. Trường hợp đối tượng tiêm chủng là trẻ em thì việc tư vấn được thực hiện với cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ;

    b) Trong khi tiêm chủng: Thực hiện tiêm chủng theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn;

    c) Sau khi tiêm chủng: Theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng để tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.

    2. Khi đang triển khai tiêm chủng mà xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, người đứng đầu cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm:

    a) Dừng ngay buổi tiêm chủng;

    b) Xử trí cấp cứu, chẩn đoán nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm chủng; trường hợp vượt quá khả năng thì phải chuyển người bị tai biến nặng sau tiêm chủng đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất;

    c) Thống kê đầy đủ thông tin liên quan đến trường hợp tai biến nặng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế và báo cáo cho Sở Y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm xảy ra tai biến.

    3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng phải tiến hành cấp cứu, điều trị và báo cáo Sở Y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận người bị tai biến.

    4. Trường hợp xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng vắc xin ngoài Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch, cơ sở nơi xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng có trách nhiệm báo cáo Sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở theo quy định tại khoản 2 Điều này và thực hiện bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự nếu có lỗi gây ra tai biến nặng sau tiêm chủng.

    Như vậy, quy trình tiêm chủng được tiến hành theo 3 bước sau:

    Bước 1: Trước khi tiêm chủng: Khám sàng lọc, tư vấn cho đối tượng tiêm chủng. Trường hợp đối tượng tiêm chủng là trẻ em thì việc tư vấn được thực hiện với cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ;

    Bước 2: Trong khi tiêm chủng: Thực hiện tiêm chủng theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn;

    Bước 3: Sau khi tiêm chủng: Theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng để tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.

    Quản lý đối tượng tiêm chủng bao gồm những nội dung gì?

    Tại Điều 4 Nghị định 104/2016/NĐ-CP có quy định quản lý đối tượng tiêm chủng như sau:

    Quản lý đối tượng tiêm chủng

    1. Nội dung quản lý đối tượng tiêm chủng bao gồm:

    a) Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh và địa chỉ thường trú của đối tượng tiêm chủng;

    b) Tên cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đối với trường hợp người được tiêm chủng là trẻ em;

    c) Tiền sử tiêm chủng, tiền sử bệnh tật liên quan đến chỉ định tiêm chủng.

    2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm chỉ đạo Trạm Y tế điều tra, lập danh sách các đối tượng thuộc diện tiêm chủng bắt buộc theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và thông báo cho đối tượng để tham gia tiêm chủng đúng lịch, đủ liều.

    3. Cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm:

    a) Cấp và ghi sổ theo dõi tiêm chủng cá nhân hoặc sổ tiêm chủng điện tử;

    b) Thống kê danh sách các đối tượng được tiêm chủng tại cơ sở.

    4. Trường hợp người được tiêm chủng đã có mã số định danh công dân thì không cần thu thập các thông tin quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.

    Như vậy, quản lý đối tượng tiêm chủng bao gồm những nội dung như sau:

    - Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh và địa chỉ thường trú của đối tượng tiêm chủng;

    - Tên cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đối với trường hợp người được tiêm chủng là trẻ em;

    - Tiền sử tiêm chủng, tiền sử bệnh tật liên quan đến chỉ định tiêm chủng.

    20
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ