Ngân hàng hợp tác xã sử dụng vốn và tài sản như thế nào?

Vốn điều lệ của Ngân hàng hợp tác xã được quy định thế nào? Tôi có tìm hiểu thêm về lĩnh vực tài chính ngân hàng cụ thể là hoạt động của các tổ chức tín dụng trong đó có loại hình Ngân hàng hợp tác xã. Qua một vài tài liệu, tôi được biết, hiện nay, Ngân hàng hợp tác xã sở hữu nhiều nguồn vốn khác nhau. Tôi thắc mắc vậy Ngân hàng hợp tác xã sử dụng vốn và tài sản như thế nào? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu?

Nội dung chính

    Ngân hàng hợp tác xã sử dụng vốn và tài sản như thế nào?

    Ngày 08/07/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 93/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính đối với Ngân hàng hợp tác xã.

    Theo đó, việc sử dụng vốn, tài sản của Ngân hàng hợp tác xã là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 4 Thông tư 93/2013/TT-BTC. Cụ thể như sau: 

    1. Ngân hàng có trách nhiệm quản lý, sử dụng, theo dõi toàn bộ tài sản và vốn hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán hiện hành; phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình kinh doanh; quy rõ trách nhiệm và hình thức xử lý đối với từng bộ phận, cá nhân trong trường hợp làm hư hỏng, mất mát tài sản, tiền vốn của Ngân hàng.

    2. Ngân hàng được sử dụng vốn hoạt động để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Nghị định số 57/2012/NĐ-CP và các hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này theo nguyên tắc đảm bảo an toàn và phát triển vốn.

    a) Trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh, Ngân hàng phải đảm bảo duy trì giới hạn đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc: giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

    b) Đối với các bất động sản nắm giữ do việc xử lý nợ vay thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Luật các tổ chức tín dụng:

    - Đối với các bất động sản Ngân hàng nắm giữ tạm thời để bán, chuyển nhượng nhằm thu hồi vốn, Ngân hàng không hạch toán tăng tài sản, không thực hiện trích khấu hao.

    - Đối với các bất động sản được Ngân hàng mua lại để phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh, Ngân hàng hạch toán tăng tài sản, thực hiện trích khấu hao theo quy định của pháp luật và đảm bảo giới hạn đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

    c) Ngân hàng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vốn theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 57/2012/NĐ-CP. Việc trích lập các khoản dự phòng trong chi phí, Ngân hàng thực hiện theo quy định cụ thể sau:

    - Đối với dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng: Ngân hàng thực hiện việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo chế độ quy định chung đối với tổ chức tín dụng.

    - Đối với dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư dài hạn (bao gồm cả giảm giá chứng khoán), dự phòng phải thu khó đòi (ngoài dự phòng rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng): Ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng theo quy định chung áp dụng đối với doanh nghiệp.

    d) Cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản.

    Ngân hàng được quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản của Ngân hàng theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật bảo đảm có hiệu quả, an toàn và phát triển vốn.

    đ) Đối với những tài sản Ngân hàng đi thuê, nhận cầm cố, nhận thế chấp, nhận bảo quản giữ hộ của khách hàng, Ngân hàng có trách nhiệm quản lý, bảo quản hoặc sử dụng theo thoả thuận với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật.

    e) Nhượng bán, thanh lý tài sản

    - Việc nhượng bán, thanh lý tài sản của Ngân hàng thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định tại Điều lệ của Ngân hàng.

    - Ngân hàng được nhượng bán tài sản để thu hồi vốn sử dụng cho mục đích kinh doanh có hiệu quả hơn.

    - Ngân hàng được thanh lý những tài sản kém, mất phẩm chất; tài sản hư hỏng không có khả năng phục hồi; tài sản lạc hậu kỹ thuật không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không có hiệu quả và không thể nhượng bán nguyên trạng; tài sản đã sử dụng vượt quá thời gian sử dụng theo quy định mà không thể tiếp tục sử dụng. Khi thanh lý tài sản, Ngân hàng phải thành lập hội đồng thanh lý.

    - Đối với những tài sản pháp luật quy định phải bán đấu giá khi nhượng bán, thanh lý, Ngân hàng phải tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

    Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về việc sử dụng vốn và tài sản của Ngân hàng hợp tác xã. Để hiểu chi tiết hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 93/2013/TT-BTC.

    Trân trọng!

    Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
    70
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ