Chi phí hoạt động dịch vụ ngân hàng hợp tác xã gồm những khoản nào?
Nội dung chính
Chi phí hoạt động dịch vụ ngân hàng hợp tác xã gồm những khoản nào?
Chi phí hoạt động dịch vụ ngân hàng hợp tác xã được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 19/2018/TT-BTC hướng dẫn về chế độ tài chính đối với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó:
Chi phí hoạt động dịch vụ:
- Chi về dịch vụ thanh toán.
- Chi về dịch vụ ngân quỹ.
- Chi về dịch vụ viễn thông.
- Chi về nghiệp vụ ủy thác và đại lý.
- Chi về dịch vụ tư vấn.
- Chi hoa hồng cho đại lý, môi giới, ủy thác đối với các hoạt động đại lý, môi giới, ủy thác được pháp luật cho phép. Trong đó đối với chi hoa hồng môi giới thực hiện theo quy định sau:
- Ngân hàng được chi hoa hồng môi giới đối với hoạt động môi giới được pháp luật cho phép.
- Hoa hồng môi giới để chi cho bên thứ ba (làm trung gian), không được áp dụng cho các đối tượng là đại lý của Ngân hàng; các chức danh quản lý, nhân viên của Ngân hàng và người có liên quan của Ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
- Việc chi hoa hồng môi giới phải căn cứ vào hợp đồng hoặc giấy xác nhận giữa Ngân hàng và bên nhận hoa hồng môi giới, trong đó phải có các nội dung cơ bản gồm: tên của bên nhận hoa hồng; nội dung chi; mức chi; phương thức thanh toán; thời gian thực hiện và kết thúc; trách nhiệm của các bên.
- Đối với khoản chi môi giới để cho thuê tài sản (bao gồm cả tài sản xiết nợ, gán nợ): mức chi môi giới để cho thuê mỗi tài sản của Ngân hàng tối đa không quá 5% tổng số tiền thu được từ hoạt động cho thuê tài sản đó do môi giới mang lại trong năm.
- Đối với khoản chi môi giới bán tài sản thế chấp, cầm cố: mức chi hoa hồng môi giới bán mỗi tài sản thế chấp, cầm cố của Ngân hàng không vượt quá 1 % giá trị thực tế thu được từ tiền bán tài sản đó qua môi giới.
- Hội đồng quản trị hoặc Tổng Giám đốc Ngân hàng ban hành quy chế chi hoa hồng môi giới để áp dụng thống nhất và công khai.