Nếu hợp đồng chuyển nhượng dự án bất động sản không được lập thành văn bản sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

Nếu hợp đồng chuyển nhượng dự án bất động sản không được lập thành văn bản sẽ bị phạt bao nhiêu tiền? Hợp đồng chuyển nhượng dự án bất động sản có bắt buộc công chứng không?

Nội dung chính

    Nếu hợp đồng chuyển nhượng dự án bất động sản không được lập thành văn bản sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 về khái niệm chuyển nhượng dự án bất động sản:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    7. Chuyển nhượng dự án bất động sản là việc chủ đầu tư chuyển giao toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư và quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với các bên có liên quan (nếu có) đối với dự án, phần dự án bất động sản chuyển nhượng cho bên nhận chuyển nhượng thông qua hợp đồng.

    Theo đó, chuyển nhượng dự án bất động sản là việc chủ đầu tư chuyển giao toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản cùng các quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan cho bên nhận chuyển. Và hợp đồng chuyển nhượng dự án bất động sản là một loại hợp đồng kinh doanh bất động sản (Điều 44 Luật Kinh doanh bất động sản 2023)bao gồm:

    - Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản

    - Hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án bất động sản

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hợp đồng kinh doanh bất động sản như sau:

    Vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản
    1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Kinh doanh bất động sản thuộc trường hợp phải thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã mà không thành lập theo quy định;
    b) Không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định;
    c) Hợp đồng kinh doanh bất động sản không được lập thành văn bản hoặc lập hợp đồng kinh doanh bất động sản không đầy đủ các nội dung chính theo quy định hoặc trái quy định của pháp luật;
    d) Không cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng hoặc việc sử dụng tiền ứng trước khi có yêu cầu; không cho phép bên mua, bên thuê mua được kiểm tra thực tế tiến độ thi công, chất lượng công trình theo quy định;
    đ) Thu các loại phí liên quan đến chuyển nhượng bất động sản không đúng quy định.

    Như vậy, nếu không lập thành văn bản hợp đồng chuyển nhượng dự án bất động sản thì sẽ bị phạt từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng.

    Lưu ý: Đây là mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm của tổ chức. Nếu người vi phạm là cá nhân thì mức phạt tiền tối đa sẽ bằng ½ mức phạt của tổ chức (theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP)

    Nếu hợp đồng chuyển nhượng dự án bất động sản không được lập thành văn bản sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?  Nếu hợp đồng chuyển nhượng dự án bất động sản không được lập thành văn bản sẽ bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)

    Nếu dự án bất động sản đang bị chấm dứt hoạt động thì có được chuyển nhượng không?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 về điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản như sau:

    Điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản
    1. Dự án bất động sản chuyển nhượng phải có các điều kiện sau đây:
    a) Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư; đã được lựa chọn hoặc công nhận chủ đầu tư đối với trường hợp dự án phải thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư;
    b) Dự án đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về quy hoạch đô thị;
    c) Dự án, phần dự án chuyển nhượng đã hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ, thiết kế, quy hoạch chi tiết được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị và nội dung của dự án đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng;
    d) Quyền sử dụng đất của dự án, phần dự án chuyển nhượng không thuộc trường hợp đang có tranh chấp đang được cơ quan có thẩm quyền thông báo, thụ lý, giải quyết hoặc có tranh chấp nhưng đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết bằng bản án, quyết định, phán quyết đã có hiệu lực pháp luật; không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; không thuộc trường hợp luật cấm giao dịch; không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị đình chỉ, tạm đình chỉ giao dịch theo quy định của pháp luật;
    đ) Dự án không bị đình chỉ, chấm dứt hoạt động hoặc không có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp dự án hoặc phần dự án chuyển nhượng bị xử phạt vi phạm hành chính thì chủ đầu tư phải chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
    e) Trường hợp dự án đang thế chấp để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì phải thực hiện giải chấp;
    g) Dự án còn trong thời hạn thực hiện;
    h) Đối với dự án bất động sản chuyển nhượng một phần dự án còn phải bảo đảm các hạng mục công trình xây dựng hoặc mục đích sử dụng, kinh doanh của các công trình xây dựng của phần dự án chuyển nhượng có thể độc lập được với phần dự án khác trong dự án bất động sản.

    Theo đó, điều kiện để được chuyển nhượng dự án bất động sản là dự án không bị chấm dứt hoạt động, đình chỉ hoặc không có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, nếu dự án bất động sản đang bị chấm dứt hoạt động thì không được chuyển nhượng.

    Hợp đồng chuyển nhượng dự án bất động sản có bắt buộc công chứng không?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 như sau:

    Hợp đồng trong kinh doanh bất động sản
    3. Hợp đồng kinh doanh bất động sản được ký kết khi bất động sản đã có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, dự án bất động sản đã có đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của Luật này.
    4. Hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản mà ít nhất một bên tham gia giao dịch là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.
    5. Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng mà các bên tham gia giao dịch là cá nhân phải công chứng hoặc chứng thực.
    6. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký vào hợp đồng hoặc bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm văn bản công chứng, chứng thực có hiệu lực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.

    Theo đó, hợp đồng chuyển nhượng dự án bất động sản mà ít nhất một bên tham gia giao dịch là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực mà được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.

    290