Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Muốn đòi lại nhà đất đang cho ở nhờ, cho mượn phải làm sao? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đòi lại nhà đất đang cho ở nhờ, cho mượn?

Muốn đòi lại nhà đất đang cho ở nhờ, cho mượn phải làm sao? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đòi lại nhà đất đang cho ở nhờ, cho mượn?

Nội dung chính

    Muốn đòi lại nhà đất đang cho ở nhờ, cho mượn phải làm sao?

    Căn cứ theo Điều 499 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của bên cho mượn tài sản như sau:

    Quyền của bên cho mượn tài sản
    1. Đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý.
    2. Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn.
    3. Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra.

    Để đòi lại nhà cho mượn, chủ nhà cần thông báo trước cho người mượn với thời gian hợp lý. Phương thức thông báo có thể linh hoạt: trực tiếp, văn bản, tin nhắn, email,... Trong trường hợp người mượn sử dụng nhà không đúng mục đích đã thỏa thuận (ví dụ: cho người khác ở nhờ, không ở tại nhà), chủ nhà có quyền yêu cầu lấy lại nhà ngay lập tức, không cần thông báo trước.

    Nếu người mượn không hợp tác, chủ nhà có thể nhờ đến pháp luật để giải quyết, cụ thể là khởi kiện ra Tòa án.

    Muốn đòi lại nhà đất đang cho ở nhờ, cho mượn phải làm sao? (Hình ảnh từ internet)

    Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đòi lại nhà đất đang cho ở nhờ, cho mượn?

    - Trường hợp tranh chấp xác định chủ sở hữu nhà đất

    Các tranh chấp về bất động sản thường xảy ra khi có tranh chấp dân sự về quyền sở hữu nhà, việc chiếm hữu trái phép nhà hoặc các quyền liên quan đến nhà đất đang cho ở nhờ, cho mượn. Khi giải quyết những vụ việc này, Tòa án sẽ phải xác định rõ ai là người có quyền sở hữu, sử dụng và định đoạt đối với bất động sản đó.

    Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

    Do đó, tranh chấp đòi lại nhà cho mượn, cho ở nhờ trong trường hợp này sẽ do Tòa án nhân dân nơi có nhà đất giải quyết.

    - Trường hợp tranh chấp liên quan đến hợp đồng cho mượn nhà đất

    Các tranh chấp về nhà ở, cho mượn, cho ở nhờ thường phát sinh từ việc một hoặc cả hai bên không thực hiện đúng các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng. Nguyên nhân có thể do vi phạm nghĩa vụ hoặc hành vi gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bên kia.

    Đối với những tranh chấp về bất động sản này thì thẩm quyền của Tòa án được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

    Như vậy, trong các vụ tranh chấp dân sự đòi lại nhà ở nhờ, cho mượn, thẩm quyền giải quyết thường thuộc về Tòa án nhân dân nơi bị đơn cư trú. Lý do là vì các tranh chấp này liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc giao dịch trước đó. Việc khởi kiện tại nơi bị đơn cư trú sẽ thuận tiện cho việc triệu tập các bên, thu thập chứng cứ và làm rõ những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, giao dịch nhà đất đang cho mượn, cho ở nhờ.

    Cần lưu ý gì khi đòi lại nhà đất đang cho ở nhờ, cho mượn?

    Khi muốn đòi lại nhà đất với vai trò là bên cho ở nhờ, cho mượn, cần lưu ý các điểm sau:

    - Đảm bảo rằng mọi điều khoản về việc đòi lại nhà đất đã được thảo luận và ghi chép rõ ràng trong hợp đồng hoặc thỏa thuận ban đầu.

    - Xác định rõ thời hạn cho việc trả lại nhà đất, và thông báo trước cho bên mượn để họ có thời gian chuẩn bị.

    - Đảm bảo rằng quy trình đòi lại nhà đất được thực hiện đúng quy định pháp lý, tránh việc tự ý đuổi người ở mà không thông báo hay có văn bản chính thức.

    13