Mục tiêu xây dựng ít nhất bao nhiêu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đến năm 2030?
Nội dung chính
Mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đến năm 2030
Căn cứ Quyết định 1017/QĐ-BXD năm 2024 về kế hoạch thực hiện Quyết định 927/QĐ-TTg năm 2024 thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW năm 2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.
Theo đó, mục tiêu về xây dựng nhà ở tại Tiểu mục 2 Mục II Quyết định 1017/QĐ-BXD năm 2024 như sau:
(1) Mục tiêu chung:
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng.
(2) Mục tiêu cụ thể:
- Cả nước xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;
- Hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị;
- Thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu, nhất là đối với người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, hộ nghèo ở tại khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
- Bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở.
Ngoài ra, cho đến nay, theo Chỉ thị 34-CT/TW năm 2024 cả nước đã hoàn thành 195.000 căn nhà ở xã hội và có khoảng 374.000 căn nhà ở xã hội đã được chấp thuận đầu tư và khởi công, cấp phép xây dựng.
Chính sách hỗ trợ nhà ở thông qua các chương trình mục tiêu cho các đối tượng là người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn và hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số hạn chế như:
- Nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 không đạt được;
- Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế;- Giá nhà ở xã hội bình quân còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng;
- Công tác quản lý nhà nước về nhà ở xã hội vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập;
- Tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị thấp;
- Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp, chưa huy động được mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia;
- Còn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát, nhất là tại các vùng khó khăn, chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Chính vì thế, để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được nêu trong Chỉ thị 34-CT/TW năm 2024.
Nguyên tắc đảm bảo thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 79 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:
- Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở;
- Có sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, dòng họ và đối tượng được hỗ trợ trong việc thực hiện chính sách;
- Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cộng đồng dân cư và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Bảo đảm đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở 2023;
- Trường hợp một đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì được hưởng một chính sách hỗ trợ mức cao nhất; trường hợp các đối tượng có cùng tiêu chuẩn và điều kiện thì thực hiện hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên trước đối với: người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, người khuyết tật, người được bố trí tái định cư theo hình thức mua, thuê mua nhà ở xã hội, nữ giới;
- Trường hợp hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ thì chỉ áp dụng một chính sách hỗ trợ cho cả hộ gia đình.
Mục tiêu xây dựng ít nhất bao nhiêu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đến năm 2030? (hình từ internet)
Những đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định?
Điều 76 Luật nhà ở 2023 quy định về các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội bao gồm:
(1) Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
(2) Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn.
(3) Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
(4) Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
(5) Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
(6) Công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp.
(7). Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác.
(8) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
(9) Đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 125 Luật Nhà ở 2023, trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở công vụ do vi phạm quy định của Luật Nhà ở 2023.
(10) Hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
(11) Học sinh, sinh viên đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập.
(12) Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.
Như vậy, có 12 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.