Mức bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng được xác định như thế nào?

Chuyên viên pháp lý: Lê Trần Hương Trà
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng là gì? Mức bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng được xác định như thế nào? Trường hợp bên nhận thầu là nhà thầu liên danh thì từng thành viên phải nộp bảo đảm đúng không?

Nội dung chính

    Mức bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng được xác định như thế nào?

    Căn cứ tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng là việc bên nhận thầu thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc bảo lãnh để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời gian thực hiện hợp đồng; khuyến khích áp dụng hình thức bảo lãnh.

    Căn cứ tại khoản 4 Điều 16 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng như sau:

    Điều 16. Bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng
    [...]
    4. Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng, phương thức bảo đảm phải được quy định trong hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu. Mức bảo đảm thực hiện hợp đồng được xác định trong khoảng từ 2% đến 10% giá hợp đồng xây dựng; trường hợp để phòng ngừa rủi ro cao thì giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng có thể cao hơn nhưng không quá 30% giá hợp đồng và phải được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư chấp thuận.
    [...]

    Theo đó, mức bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng được xác định trong khoảng từ 2% đến 10% giá hợp đồng xây dựng; trường hợp để phòng ngừa rủi ro cao thì giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng có thể cao hơn nhưng không quá 30% giá hợp đồng.

    Lưu ý: Mức bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng phải được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư chấp thuận.

    Mức bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng được xác định như thế nào?

    Mức bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng được xác định như thế nào? (Hình từ Internet)

    Trường hợp bên nhận thầu là nhà thầu liên danh thì từng thành viên phải nộp bảo đảm đúng không?

    Căn cứ khoản 3 Điều 16 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng định như sau:

    Điều 16. Bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng
    [...]
    2. Bảo đảm thực hiện hợp đồng phải được nộp cho bên giao thầu trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực theo đúng thỏa thuận của các bên về giá trị, loại tiền, phương thức bảo đảm; theo mẫu được bên giao thầu chấp nhận và phải có hiệu lực cho đến khi bên nhận thầu đã hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc sau khi bên giao thầu đã nhận được bảo đảm bảo hành đối với hợp đồng có công việc thi công xây dựng và cung cấp thiết bị. Riêng hợp đồng tư vấn xây dựng, hợp đồng giao khoán nội bộ, hợp đồng xây dựng thuộc các chương trình mục tiêu do các hộ dân thực hiện và những hợp đồng xây dựng theo hình thức tự thực hiện không bắt buộc bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng.
    3. Trường hợp bên nhận thầu là nhà thầu liên danh thì từng thành viên phải nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng cho bên giao thầu, mức bảo đảm tương ứng với phần giá trị hợp đồng mà mỗi thành viên thực hiện. Nếu liên danh có thỏa thuận nhà thầu đứng đầu liên danh nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng thì nhà thầu đứng đầu liên danh nộp bảo đảm cho bên giao thầu, từng thành viên nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng cho nhà thầu đứng đầu liên danh tương ứng với giá trị hợp đồng do mình thực hiện.
    [...]

    Theo đó, trường hợp bên nhận thầu là nhà thầu liên danh, từng thành viên trong liên danh phải nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng cho bên giao thầu. Mức bảo đảm sẽ tương ứng với phần giá trị hợp đồng mà mỗi thành viên thực hiện.

    Nếu liên danh có thỏa thuận rằng nhà thầu đứng đầu liên danh nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng, thì nhà thầu đứng đầu sẽ nộp bảo đảm cho bên giao thầu, và các thành viên khác trong liên danh sẽ nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng tương ứng với giá trị công việc của mình cho nhà thầu đứng đầu liên danh.

    Việc khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng được quy định như nào?

    Căn cứ tại Điều 44 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, quy định về khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng như sau:

    (1) Khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng trong Nghị định này được hiểu là khi một bên phát hiện bên kia thực hiện không đúng hoặc không thực hiện nghĩa vụ theo đúng hợp đồng thì có quyền yêu cầu bên kia thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã ký. Khi đó, bên phát hiện có quyền khiếu nại bên kia về nội dung này.

    (2) Khi một bên khiếu nại bên kia thì phải đưa ra các căn cứ, dẫn chứng cụ thể để làm sáng tỏ những nội dung khiếu nại.

    (3) Trong vòng năm mươi sáu (56) ngày kể từ khi nảy sinh vấn đề một bên thực hiện hợp đồng không phù hợp với các thỏa thuận đã ký, bên phát hiện phải thông báo ngay cho bên kia về những nội dung đó và khiếu nại về các nội dung này.

    Ngoài khoảng thời gian này nếu không bên nào có khiếu nại thì các bên phải thực hiện theo đúng những thỏa thuận đã ký.

    (4) Trong vòng hai mươi tám (28) ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, bên nhận được khiếu nại phải đưa ra những căn cứ, dẫn chứng về những nội dung cho rằng việc khiếu nại của bên kia là không phù hợp với hợp đồng đã ký, nếu những căn cứ và dẫn chứng không thuyết phục, không hợp lý thì phải chấp thuận với những khiếu nại của bên kia.

    Ngoài khoảng thời gian này nếu bên nhận được khiếu nại không có ý kiến thì coi như đã chấp thuận với những nội dung khiếu nại do bên kia đưa ra.

    (5) Các khiếu nại của mỗi bên phải được gửi đến đúng địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ trao đổi thông tin mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Các khiếu nại không được giải quyết bởi các bên tham gia hợp đồng sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 45 Nghị định 37/2015/NĐ-CP.

    saved-content
    unsaved-content
    59