Mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ là gì?
Nội dung chính
Mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ là gì?
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch tác chiến và quyết định: tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ mở chiến dịch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng toàn bộ Tây Bắc, tạo ra sự chuyển biến mới trong cục diện chiến tranh và tạo điều kiện cho Lào giải phóng Thượng Lào.
Chiến dịch Điện Biên Phủ mang mật danh Trần Đình, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận; đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch; đồng chí Lê Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Đặng Kim Giang là Chủ nhiệm Cung cấp.
Theo đó, chiến dịch Trần Đình có 5 đại đoàn cũng được mang các mật danh khác nhau như: "Bến Tre", "Việt Bắc", "Biên Hòa", "Nam Định" và "Long Châu". Chiến dịch cũng huy động số lượng dân công chưa từng có tới 30.000 người, đảm bảo hết sức bí mật.
Nhờ tinh thần yêu nước và lòng quả cảm của quân và dân ta, Chiến dịch Trần Đình hay Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng, lừng lẫy trên toàn thế giới. Cái tên Trần Đình không chỉ là một mật danh của chiến dịch mà còn là niềm tự hào của toàn dân Việt Nam.
Ngày 07/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, xứng đáng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
Mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ là gì? (Hình từ Internet)
Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ có được bắn pháo hoa không? Địa điểm ở đâu?
Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 56/2023/NĐ-CP quy định như sau:
Các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ
1. Tết Nguyên đán
a) Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
b) Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán.
2. Giỗ Tổ Hùng Vương
a) Tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại khu vực Đền Hùng;
b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 09 tháng 3 âm lịch.
3. Ngày Quốc khánh
a) Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 02 tháng 9.
4. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ
a) Tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại Thành phố Điện Biên Phủ;
b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 07 tháng 5.
5. Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch)
a) Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 30 tháng 4.
6. Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;
b) Thời gian bắn vào 21 giờ ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
7. Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.
8. Trường hợp khác do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định sau khi có văn bản trao đổi thống nhất với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Theo đó, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ thuộc trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ được bắn pháo hoa vào 21 giờ ngày 07/5, tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa nổ tầm thấp với thời lượng không quá 15 phút tại Thành phố Điện Biên Phủ.