Lương tháng 13 sau khi nghỉ việc sẽ bị tính thuế thu nhập cá nhân theo hình thức nào: luỹ tiến hay toàn phần?
Nội dung chính
Tính thuế thu nhập cá nhân luỹ tiến hay toàn phần cho lương tháng 13 sau khi nghỉ việc?
Bên mình có bạn nhân viên kia làm việc lâu năm theo hợp đồng 36 tháng, chưa hết hợp đồng nhưng cuối tháng 12 bạn đó xin nghỉ việc. Tuy nhiên vì để công nhận đóng góp của bạn thì bên mình vẫn chi trả lương tháng 13 cho bạn vào kỳ lương tháng 01 năm sau thì phần lương này tính thuế TNCN theo lũy tiến hay là theo toàn phần vậy bạn vì lúc này đã nghỉ việc rồi.
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì:
Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.
Như vậy, thời điểm xác định thu nhập chịu thuế trong trường hợp của nhân viên công ty chị là thời điểm chi trả lương vào tháng 1 năm sau.
Đồng thời, Điểm b.2 Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC cũng quy định:
Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
Theo quy định này, trường hợp người lao động công ty chị nghỉ làm khi chưa hết hợp đồng lao động thì khi trả lương tháng 13, công ty chị vẫn khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
Tính thuế thu nhập cá nhân luỹ tiến hay toàn phần cho lương tháng 13 sau khi nghỉ việc? (Hình từ internet)
Thu nhập đi làm ngày lễ có tính đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Ban biên tập cho tôi hỏi: Theo quy định thì lương đi làm ngày lễ có tính đóng thuế TNCN không ạ? Mong sớm nhận phản hồi.
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cụ thể như sau:
- Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.
Như vậy, tiền lương đi làm ngày lễ được chia làm 2 phần được tính thuế và được miễn thuế. Phần tính thuế là phần thu nhập theo mức ngày công bình thường. Phần cao hơn mức ngày công bình thường thì được miễn thuế.
Do đó: Đối với phần thu nhập ngày lễ tính thuế TNCN được xác định như sau:
- 100% tiền lương: Phải tính vào thu nhập trong tháng của người lao động để khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
- 300% tiền lương: Được miễn thuế thu nhập cá nhân, nên không tính vào thu nhập trong tháng của người lao động để khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
Có thể kê khai thuế thu nhập cá nhân thay người khác không?
Chào ban biên tập, tôi có nội dung cần giải đáp như sau: Tôi và chồng tôi có tài sản chung là căn nhà hiện hữu. Năm 2018, hai vợ chồng tôi không đồng lòng nữa nên yêu cầu giải quyết ly hôn nhưng không yêu cầu chia tài sản. Chồng tôi năm 2019 do làm ăn thua lỗ nên bị kiện ra Tòa và Tóa án yêu cầu anh ấy thi hành án 10 tỷ. Căn nhà sở hữu chung giữa tôi và chồng tôi là 8 tỷ. Tôi muốn mua lại phần sở hữu của chồng tôi đối với căn nhà này. Tuy nhiên, chồng tôi đang chấp hành án tù nên tôi muốn hỏi tôi có thể thay chồng kê khai thuế thu nhập cá nhân hay không?
Trả lời:
Căn cứ Điểm a.5 Khoản 3 Điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC:
Trường hợp khai thay hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, thì tổ chức, cá nhân khai thay ghi thêm “Khai thay” vào phần trước cụm từ “Người nộp thuế hoặc Đại diện hợp pháp của người nộp thuế” đồng thời người khai ký, ghi rõ họ tên, nếu là tổ chức khai thay thì sau khi ký tên phải đóng dấu của tổ chức. Trên hồ sơ tính thuế, chứng từ thu thuế vẫn phải thể hiện đúng người nộp thuế là cá nhân chuyển nhượng bất động sản.
Như vậy, bạn có thể khai thuế thu nhập cá nhân thay cho chồng bạn, khi thực hiện kê khai thay thì bạn ghi thêm "Khai thay" vào phần trước cụm từ “Người nộp thuế hoặc Đại diện hợp pháp của người nộp thuế” đồng thời người khai ký, ghi rõ họ tên.