Lập kế hoạch thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc gồm những nội dung nào?
Nội dung chính
Lập kế hoạch thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc gồm những nội dung nào?
Ngày 13/01/2025, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 03/2025/TT-BYT về việc quy định về giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2025.
Trong đó, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 03/2025/TT-BYT, việc lập kế hoạch thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc gồm những nội dung cơ bản sau đây:
(1) Đối tượng, nội dung cần giám định; thời gian dự kiến hoàn thành việc giám định;
(2) Phương pháp thực hiện giám định, các quy chuẩn chuyên môn được áp dụng;
(3) Xác định nội dung cần thuê đơn vị chuyên môn phục vụ cho việc giám định (nếu cần thiết);
(4) Dự kiến phương tiện, vật tư, trang thiết bị được sử dụng (nếu có);
(5) Dự kiến chi phí cần cho việc thực hiện giám định; tạm ứng và thanh toán chi phí giám định;
(6) Điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện giám định.
Lập kế hoạch thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc gồm những nội dung nào? (Hình từ Internet)
Quy trình giám định tư pháp theo vụ việc gồm những bước nào?
Căn cứ quy định tại Điều 8 Thông tư 03/2025/TT-BYT, quy trình giám định tư pháp theo vụ việc được thực hiện như sau:
(1) Giao nhận hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật liên quan.
(2) Xây dựng kế hoạch thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc.
(3) Thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc.
(4) Kết luận giám định tư pháp theo vụ việc.
(5) Bàn giao kết luận giám định và hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật liên quan (nếu có).
(6) Lập, lưu và bảo quản hồ sơ giám định tư pháp theo vụ việc.
Giám định viên tư pháp có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 11 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020, giám định viên tư pháp có các quyền và nghĩa vụ như sau:
(1) Thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu.
(2) Từ chối giám định trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm. Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(3) Tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định, kiến thức pháp luật.
(4) Thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 15 Luật Giám định tư pháp 2012.
(5) Thành lập, tham gia hội giám định viên tư pháp theo quy định của pháp luật về hội.
(6) Hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(7) Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 23 và khoản 1 Điều 34 Luật Giám định tư pháp 2012.
Có những hành vi bị nghiêm cấm nào trong giám định tư pháp?
Căn cứ quy định tại Điều 6 Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020, có các hành vi bị nghiêm cấm trong giám định tư pháp như sau:
(1) Từ chối đưa ra kết luận giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng.
(2) Cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.
(3) Cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định tư pháp hoặc lợi dụng việc trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp để gây khó khăn, cản trở hoạt động tố tụng.
(4) Lợi dụng việc thực hiện giám định tư pháp để trục lợi.
(5) Tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định tư pháp.
(6) Xúi giục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.
(7) Can thiệp, cản trở việc thực hiện giám định của người giám định tư pháp.