Làm gì nếu không đồng ý với bản án phúc thẩm?

Cho em hỏi, nếu mình không đồng ý với bản án dân sự phúc thẩm thì phải làm như thế nào? Và từ ngày tuyên án đến ngày thi hành án là bao lâu?

Nội dung chính

    Làm gì nếu không đồng ý với bản án phúc thẩm?

    Khoản 1 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

    Theo Khoản 1 Điều 315 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì việc gửi bản án, quyết định phúc thẩm được thực hiện như sau:

    Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

    Trường hợp Tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể dài hơn, nhưng không quá 25 ngày.

    Như vậy, về nguyên tắc thì bản án dân sự phúc thẩm sẽ có hiệu lực thi hành ngay, đương sự không có quyền kháng cáo. Tuy nhiên, bản án này có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nếu có những căn cứ Luật định và chỉ có những cơ quan có thẩm quyền được liệt kê trong Chương XX, XXI Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 mới có quyền này.

    Đối với vấn đề thi hành án:

    Như đã trình bày thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

    Theo Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi 2014 thì thời hạn ra quyết định thi hành án được thực hiện như sau:

    Thời hạn ra quyết định thi hành án theo yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án.

    Đối với những bản án không theo yêu cầu thì thời hạn ra quyết định có thể là 05 ngày hoặc 03 ngày làm việc.

    Thông báo về thi hành án: Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

    Thời hạn tự nguyện thi hành án: Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

    Cưỡng chế thi hành án: Hết thời hạn thi hành án tự nguyện, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

    Trên đây là nội dung tư vấn về hiệu lực thi hành của bản án phúc thẩm và thời hạn thi hành án. Bạn có thể tham khảo thêm tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi 2014 để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

    Trân trọng!

    25