Không đồng ý với giá bồi thường, người dân có bị thu hồi đất?

Nhà nước thu hồi đất trong những trường hợp nào? Không đồng ý với giá bồi thường, người dân có bị thu hồi đất?

Nội dung chính

    Nhà nước thu hồi đất trong những trường hợp nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 35 Điều 3 Luật Đất đai 2024, Nhà nước thu hồi đất là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người sử dụng đất hoặc thu lại đất của người đang sử dụng đất hoặc thu lại đất đang được Nhà nước giao quản lý.

    Bên cạnh đó, tại Điều 78, Điều 79, Điều 81 và Điều 82 Luật Đất đai 2024, Nhà nước thu hồi đất trong những trường hợp sau đây:

    (1) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 78);

    (2) Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79);

    (3) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (Điều 81);

    (4) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, không còn khả năng tiếp tục sử dụng (Điều 82).

    Không đồng ý với giá bồi thường, người dân có bị thu hồi đất?

    Không đồng ý với giá bồi thường, người dân có bị thu hồi đất? (Hình từ Internet)

    Người dân có quyền thỏa thuận giá bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi không?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Đất đai 2024, việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

    Trường hợp người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

    Đối với người có đất thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở.

    Theo quy định nêu trên, người dân khi bị Nhà nước thu hồi đất có thể được bồi thường bằng đất, bằng tiền hoặc bằng nhà ở. Trong đó, nếu được bồi thường bằng tiền thì sẽ được bồi thường theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

    Ngoài ra, tại điểm a khoản 3 Điều 87 Luật Đất đai 2024 nêu rõ, ngay sau khi hết thời hạn niêm yết công khai, tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi. Trường hợp người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản không tham gia họp trực tiếp có lý do chính đáng thì gửi ý kiến bằng văn bản.

    Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến, đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại trong trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền.

    Theo đó, khi Nhà nước thu hồi đất thì người dân chỉ được nêu ý kiến về phương án bồi thường chứ không được thỏa thuận về giá bồi thường.

    Như vậy, khi Nhà nước thu hồi đất, người dân không có quyền thỏa thuận giá bồi thường về đất. Cụ thể, giá bồi thường được xác định theo giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Người dân chỉ có quyền đóng góp ý kiến về phương án bồi thường nhưng không thể tự mình thỏa thuận giá bồi thường với cơ quan Nhà nước.

    Không đồng ý với giá bồi thường, người dân có bị thu hồi đất?

    Tại khoản 7 Điều 87 Luật Đất đai 2024, trường hợp người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì thực hiện như sau:

    - Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

    - Việc tổ chức vận động, thuyết phục được tiến hành trong thời gian 10 ngày và phải được thể hiện bằng văn bản. Quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc vận động, thuyết phục mà người có đất thu hồi vẫn không chấp hành việc bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 89 Luật Đất đai 2024.

    Căn cứ theo quy định nêu trên, khi người dân không đồng ý bồi thường và không bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì sẽ tổ chức vận động, thuyết phục người dân trong thời gian 10 ngày, quá thời hạn 10 ngày mà người dân vẫn không chịu bàn giao đất thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế.

    Như vậy, dù người dân cảm thấy giá bồi thường không phù hợp hoặc không thỏa đáng và không đồng ý bồi thường thì vẫn phải có nghĩa vụ bàn giao đất theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp người sử dụng đất cho rằng có sai phạm trong quá trình thu hồi hoặc bồi thường, họ có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, việc không chấp hành bàn giao đất sẽ dẫn đến các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo thực hiện quyết định thu hồi đất đúng theo quy định pháp luật.

    31