Khiếu nại và tố cáo liên quan đến vấn đề môi trường được quy định như thế nào theo pháp luật hiện hành?

Khiếu nại, tố cáo về môi trường quy định thế nào? Sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được quy định thế nào? Chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Khiếu nại, tố cáo về môi trường quy định thế nào?

    Theo Điều 163 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về khiếu nại, tố cáo về môi trường như sau:

    1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

    2. Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.

    Theo đó, việc khiếu nại và tố cáo là những cơ chế quan trọng giúp đảm bảo rằng các quy định về bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm túc, đồng thời bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan và góp phần duy trì môi trường trong lành.

    Khiếu nại và tố cáo liên quan đến vấn đề môi trường được quy định như thế nào theo pháp luật hiện hành? (Hình từ internet)

    Sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được quy định thế nào?

    Theo Điều 145 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, cụ thể:

    1. Sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường là sản phẩm, dịch vụ được tạo ra từ các nguyên liệu, vật liệu, công nghệ sản xuất và quản lý thân thiện môi trường, giảm tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình sử dụng, thải bỏ, bảo đảm an toàn cho môi trường, sức khỏe con người và được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hoặc công nhận.

    2. Nhãn sinh thái Việt Nam là nhãn được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận cho sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Việc quan trắc, phân tích, đánh giá sự phù hợp để đối chứng với tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với sản phẩm, dịch vụ phải được thực hiện bởi tổ chức quan trắc môi trường theo quy định của Luật này và tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, pháp luật về đo lường và pháp luật khác có liên quan.

    3. Việt Nam công nhận sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường đã được tổ chức quốc tế, quốc gia ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau với Việt Nam chứng nhận.

    4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Tóm lại, việc quy định rõ ràng các tiêu chí và chứng nhận cho sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng về tiêu dùng bền vững, góp phần xây dựng một môi trường sống trong lành và bền vững hơn.

    Chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường quy định như thế nào?

    Theo Điều 134 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường như sau:

    1. Chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường quy định tại điểm a khoản 1 Điều 130 của Luật này được tính căn cứ vào các nội dung sau đây:

    a) Chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;

    b) Chi phí xử lý, cải tạo môi trường;

    c) Chi phí giảm thiểu, triệt tiêu nguồn gây thiệt hại hoặc tổ chức ứng phó sự cố môi trường;

    d) Chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục bồi thường thiệt hại về môi trường;

    đ) Tùy điều kiện cụ thể có thể áp dụng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này để tính chi phí thiệt hại về môi trường, làm căn cứ để bồi thường và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường.

    2. Chi phí bồi thường thiệt hại do tổ chức, cá nhân chi trả trực tiếp hoặc nộp về Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh để tổ chức chi trả.

    Qua đó, việc xác định và chi trả chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường không chỉ giúp khôi phục và cải thiện chất lượng môi trường, mà còn là trách nhiệm pháp lý nhằm đảm bảo sự công bằng cho các bên bị ảnh hưởng. Đồng thời, việc nộp chi phí vào Quỹ bảo vệ môi trường giúp hỗ trợ các hoạt động bảo vệ và cải thiện môi trường trên toàn quốc.

    24