Khi ký công chứng có cần phải đóng dấu giáp lai của tổ chức kinh tế trên hợp đồng mua bán nhà đất không?
Nội dung chính
Tổ chức kinh tế khi ký công chứng có cần phải đóng dấu giáp lai của tổ chức kinh tế trên hợp đồng mua bán nhà đất không?
Căn cứ Khoản 8 Điều 40 Luật Công chứng 2014 quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn như sau:
8. Người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.
Căn cứ Khoản 1 Điều 48 Luật trên quy định về ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng như sau:
1. Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.
Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.
Căn cứ Điều 49 Luật Công chứng 2014 quy định về việc ghi trang, tờ trong văn bản công chứng như sau:
Văn bản công chứng có từ hai trang trở lên thì từng trang phải được đánh số thứ tự. Văn bản công chứng có từ hai tờ trở lên phải được đóng dấu giáp lai giữa các tờ.
Như vậy, tổ chức kinh tế tham gia ký kết hợp đồng mua bán nhà đất tại tổ chức hành nghề công chứng thì người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức kinh tế đó phải ký vào tất cả các trang của hợp đồng mua bán đó và ký trước mặt công chứng viên, trừ trường hợp đã đăng ký mẫu chữ ký. Tổ chức hành nghề công chứng phải đóng dấu giáp lai giữa các tờ của hợp đồng chứ không quy định công ty bạn phải đóng dấu giáp lai vào hợp đồng mua bán này.
Khi ký công chứng có cần phải đóng dấu giáp lai của tổ chức kinh tế trên hợp đồng mua bán nhà đất không? (Hình từ Internet)
Thời hạn công chứng như thế nào?
Căn cứ Điều 43 Luật Công chứng 2014 quy định về thời hạn công chứng như sau:
- Thời hạn công chứng được xác định kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng. Thời gian xác minh, giám định nội dung liên quan đến hợp đồng, giao dịch, niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, dịch giấy tờ, văn bản không tính vào thời hạn công chứng.
- Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.
Trân trọng!