Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phạm vi toàn huyện được ban hành vào thời gian nào?

Chuyên viên pháp lý Trần Thị Mộng Nhi
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phạm vi toàn huyện được ban hành vào thời gian nào? Ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa như thế nào?

Nội dung chính

    Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phạm vi toàn huyện được ban hành vào thời gian nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 112/2024/NĐ-CP như sau:

    Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa
    1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp huyện và đề nghị của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp cấp tỉnh, ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phạm vi toàn tỉnh theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thời gian ban hành trước 30 tháng 11 năm trước của năm kế hoạch.
    2. Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp xã và đề nghị của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp cấp huyện, ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phạm vi toàn huyện theo mẫu Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; thời gian ban hành trước ngày 15 tháng 12 năm trước của năm kế hoạch.
    3. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và nhu cầu chuyển đổi của người sử dụng đất trồng lúa, ban hành Kế hoạch chuyển đổi trên địa bàn xã theo mẫu Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; thời gian ban hành trước ngày 30 tháng 12 năm trước của năm kế hoạch.

    Như vậy, tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 112/2024/NĐ-CP có quy định về việc Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phạm vi toàn huyện.

    Theo đó, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phạm vi toàn huyện sẽ được Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành trước ngày 15 tháng 12 năm trước của năm kế hoạch theo mẫu được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 112/2024/NĐ-CP.

    Tham khảo chi tiết Mẫu kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phạm vi toàn huyện: Tải về

    Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phạm vi toàn huyện được ban hành vào thời gian nào? (Ảnh từ Internet)

    Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phạm vi toàn huyện được ban hành vào thời gian nào? (Ảnh từ Internet)

    Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa sang cây trồng lâu năm đối với đất chuyên trồng lúa được không?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 112/2024/NĐ-CP như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại.
    a) Đất chuyên trồng lúa là đất trồng hai vụ lúa nước trở lên trong năm;
    b) Đất trồng lúa còn lại là đất trồng một vụ lúa nước trong năm và đất trồng lúa nương.

    Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa
    1. Nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa
    a) Phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Trồng trọt năm 2018;
    b) Chỉ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa sang cây trồng lâu năm đối với đất trồng lúa còn lại;
    c) Không được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao;
    d) Phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa do cấp có thẩm quyền ban hành;
    đ) Không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình đê điều, công trình phục vụ trực tiếp sản xuất lúa;
    e) Không làm ảnh hưởng đến việc canh tác đối với diện tích đất trồng lúa liền kề.

    Theo đó, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại.

    Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa sang cây trồng lâu năm chỉ được thực hiện đối với đất trồng lúa còn lại.

    Như vậy, không được thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa sang cây trồng lâu năm đối với đất chuyên trồng lúa.

    Ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa được quy định như thế nào?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 112/2024/NĐ-CP có quy định về ngân sách nhà nước hỗ trợ địa phương sản xuất lúa như sau:

    Hỗ trợ địa phương sản xuất lúa
    1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa như sau:
    a) Hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa;
    b) Hỗ trợ 750.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa còn lại, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa;
    c) Hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.

    Như vậy, đối với việc sản xuất lúa sẽ được Nhà nước sẽ có ngân sách hỗ trợ theo quy định trên.

    84
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ