Hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ với hộ gia đình của người có công với cách mạng khi thực hiện cải tạo, sửa chữa nhà ở
Nội dung chính
Người có công với cách mạng gồm những ai?
Tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 thì những người có công với cách mạng gồm:
- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945;
- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
- Liệt sỹ;
- Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
- Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
- Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; người hưởng chính sách như thương binh;
- Bệnh binh;
- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
- Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;
- Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;
- Người có công giúp đỡ cách mạng.
Hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ với hộ gia đình của người có công với cách mạng khi thực hiện cải tạo, sửa chữa nhà ở (Hình ảnh từ Internet)
Hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ với hộ gia đình của người có công với cách mạng khi thực hiện cải tạo, sửa chữa nhà ở
Tại khoản 1 Điều 102 Nghị định 131/2021/NĐ-CP thì người có công với cách mạng sẽ được hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng. Với mức độ hư hỏng của nhà ở được chia thành hai bậc như sau:
- Nhà ở phải phá dỡ để xây mới nhà ở.
- Nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở
Theo Điều 3 Quyết định 21/2024/TTg (Có hiệu lực ngày 09/01/2025) thì mức hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở dành cho hộ gia đình người có công với cách mạng như sau:
- Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở.
- Hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Lưu ý: Mức hỗ trợ trên chỉ áp dụng từ ngày 09/01/2025 đến ngày 31/12/2025 và áp dụng đối với hộ gia đình theo quy định tại khoản 1 Điều 99 Nghị định 131/2021/NĐ-CP là đối tượng được hỗ trợ cải thiện nhà ở thuộc một trong các đối tượng sau đây:
+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
+ Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
+ Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
+ Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;
+ Bệnh binh;
+ Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;
+ Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;
+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;
+ Người có công giúp đỡ cách mạng;
+ Thân nhân liệt sĩ.
Hiện đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở là nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng, kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây, trừ những hộ gia đình đã được hỗ trợ theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở (Hết hiệu lực từ 21/12/2023).
Yêu cầu về chất lượng nhà ở sau cải tạo với hộ gia đình người có công với cách mạng theo quy định mới nhất
Căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 102 Nghị định 131/2021/NĐ-CP thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu, thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình, kèm theo dự toán kinh phí đầu tư xây dựng, dự trù vật liệu chủ yếu, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương để phổ biến, giới thiệu cho các hộ gia đình tham khảo, nghiên cứu áp dụng xây dựng nhà ở phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng hộ.
Đồng thời, tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 102 Nghị định 131/2021/NĐ-CP thì yêu cầu về chất lượng nhà ở sẽ được chia theo hai trường hợp như sau:
(1) Đối với trường hợp nhà ở phải phá dỡ để xây dựng lại thì sau khi được hỗ trợ,nhà ở mới được xây dựng phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2; trường hợp hộ độc thân thì diện tích xây dựng nhà ở nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 24m2. Nhà ở xây dựng mới phải đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), độ bền tối thiểu 20 năm.
(2) Đối với trường hợp nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở thì sau khi sửa chữa phải bảo đảm tiêu chuẩn “2 cứng” (khung - tường cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên, nhưng không yêu cầu phải đúng tiêu chuẩn về diện tích sử dụng theo điểm b khoản 3 Điều 102 Nghị định 131/2021/NĐ-CP.