Hộ nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh mua nhà ở xã hội được hỗ trợ bao nhiêu?

Năm 2025, chuẩn hộ nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh được xác định như thế nào? Hộ nghèo mua nhà ở xã hội được hỗ trợ bao nhiêu?

Nội dung chính

    Năm 2025, chuẩn hộ nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh được xác định như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 15/2024/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chuẩn hộ nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/năm từ 46 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

    Trong đó, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản được xác định theo điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 15/2024/NQ-HĐND như sau:

    Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (13 chỉ số), gồm: dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; việc làm; bảo hiểm xã hội; người phụ thuộc trong hộ gia đình; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

    Chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 15/2024/NQ-HĐND, cụ thể dưới bảng sau:

    Dịch vụ xã hội cơ bản (Chiều thiếu hụt)

    Chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản

    Ngưỡng thiếu hụt

    1. Y tế

    Dinh dưỡng

    Hộ gia đình có ít nhất một trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi hoặc suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi.

    Bảo hiểm y tế

    Hộ gia đình có ít nhất một người từ đủ 6 tuổi trở lên hiện không có bảo hiểm y tế.

    2. Giáo dục

    Trình độ giáo dục của người lớn

    Hộ gia đình có ít nhất một người trong độ tuổi từ 16 tuổi đến 30 tuổi không tham gia các khóa đào tạo hoặc không có bằng cấp, chứng chỉ giáo dục đào tạo so với độ tuổi tương ứng. [Người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đang học hoặc đã tốt nghiệp trung học cơ sở; từ 18 tuổi đến 30 tuổi đang học hoặc đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc sơ cấp/trung cấp/cao đẳng nghề; hoặc người từ 16 tuổi đến 30 tuổi được doanh nghiệp tuyển dụng và chứng nhận đào tạo nghề tại chỗ (hình thức vừa học vừa làm)].

    Tình trạng đi học của trẻ em

    Hộ gia đình có ít nhất 01 trẻ em từ 3 tuổi đến dưới 16 tuổi không được học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi gồm: trẻ từ 3 tuổi đến dưới 6 tuổi được tiếp cận giáo dục mầm non; trẻ từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi được tiếp cận giáo dục tiểu học; trẻ từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi được tiếp cận giáo dục trung học cơ sở).

    3. Việc làm - Bảo hiểm xã hội

    Việc làm

    Hộ gia đình có ít nhất 01 người không có việc làm (người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, sẵn sàng/mong muốn làm việc nhưng không tìm được việc làm); hoặc có việc làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng lao động.

    Bảo hiểm xã hội

    Hộ gia đình có người trong độ tuổi lao động đang làm việc có thu nhập mà không tham gia bảo hiểm xã hội.

    Người phụ thuộc trong hộ gia đình

    Hộ gia đình có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%. Người phụ thuộc bao gồm: (1) trẻ em dưới 16 tuổi; (2) người cao tuổi hoặc người khuyết tật đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng; (3) người cao tuổi có thu nhập từ 2 triệu đồng/tháng trở xuống.

    4. Nhà ở

    Chất lượng nhà ở

    Hộ gia đình đang sống trong ngôi nhà/căn hộ thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là tường, cột, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc).

    Diện tích nhà ở bình quân đầu người

    Diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ gia đình nhỏ hơn 8m2 (nội thành) và nhỏ hơn 10m2 (ngoại thành)

    5. Nước sinh hoạt và vệ sinh

    Nguồn nước sinh hoạt

    Hộ gia đình không tiếp cận được nguồn nước an toàn (gồm: nước máy tại nhà, hoặc nước máy cung cấp tại điểm tập trung).

    Nhà tiêu hợp vệ sinh

    Hộ gia đình không sử dụng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh (gồm: tự hoại/bán tự hoại, thấm dội nước (Suilabh), cải tiến có ống thông hơi (VIP), hố xí đào có bệ ngồi, hai ngăn).

    6. Thông tin

    Sử dụng dịch vụ viễn thông

    Hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng dịch vụ internet.

    Phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin

    Hộ gia đình không có phương tiện nào trong số các phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin:

    - Phương tiện dùng chung: Tivi, radio, máy tính để bàn, điện thoại;

    - Phương tiện cá nhân: Máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh.

    Năm 2025, hộ nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh được hỗ trợ những gì?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND, năm 2025, hộ nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh được hỗ trợ các khoản sau:

    - Thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo

    - Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo các văn bản quy định hiện hành (từng giai đoạn) của Trung ương và Ủy ban nhân dân thành phố.

    - Giải quyết việc làm trong nước

    - Thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật:

    + Nâng cao dinh dưỡng cải thiện thể chất con người;

    + Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế bao gồm: hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, chi phí khám chữa bệnh, tiền ăn khi điều trị bệnh nội trú, chi phí phẫu thuật tim và tiền ăn, tiền đi lại cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh;

    + Giáo dục (hỗ trợ học văn hóa và học nghề);

    + Trợ giúp xã hội (trợ cấp khó khăn, trợ cấp thường xuyên, hỗ trợ hỏa táng, trợ cấp tết, hỗ trợ bù giá điện);

    - Có các chính sách và giải pháp hỗ trợ nhà ở phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của hộ nghèo. Khuyến khích nguồn lực xã hội hóa đầu tư nhà ở phù hợp cho các hộ nghèo;

    - Hỗ trợ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn.

    Hộ nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh mua nhà ở xã hội được hỗ trợ bao nhiêu?

    Hộ nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh mua nhà ở xã hội được hỗ trợ bao nhiêu? (Hình từ Internet)

    Hộ nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh mua nhà ở xã hội được hỗ trợ bao nhiêu?

    Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Quyết định 81/2024/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hộ nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh mua nhà ở xã hội được hỗ trợ như sau:

    (1) Hộ nghèo tại khu vực nông thôn khi mua nhà ở xã hội được hỗ trợ một phần kinh phí là 60 triệu đồng;

    (2) Hộ nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu khi mua, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ một phần kinh phí là 90 triệu đồng.

    Lưu ý: Hộ nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh phải đảm bảo quy định tại khoản 8 Điều 78 Luật Nhà ở 2023 quy định về điều kiện hưởng chính sách về nhà ở xã hội và Điều 29 Nghị định 100/2024/NĐ-CP thì mới được hỗ trợ như trên.

    46