Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ thi hành án được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ thi hành án được quy định như thế nào?
1. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 58 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ khi đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Việc cơ quan thi hành án yêu cầu đương sự phải có cam kết từ bỏ quyền và lợi ích họ được hưởng theo quyết định trước khi ra quyết định đình chỉ để quyết định việc thu phí thi hành án quy định tại điểm d khoản 2 mục II Thông tư liên tịch số 68/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 21/7/2008 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án là cần thiết, vì: “Nếu người được thi hành án có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án thì thực hiện như sau:
+ Nếu người được thi hành án có văn bản từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự hoặc có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án trước khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì cơ quan thu phí không thu phí thi hành án;
+ Nếu người được thi hành án không từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và việc rút đơn thực hiện sau khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì người được thi hành án phải nộp 1/3 (một phần ba) số phí thi hành án phải nộp như của trường hợp không rút đơn;
+ Nếu người được thi hành án không từ bỏ quyền và lợi ích mà họ được hưởng theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và việc rút đơn thực hiện sau khi cơ quan thi hành án đã thực hiện xong việc cưỡng chế, đã thu được tiền, tài sản để chi trả hoặc giao trả cho người được thi hành án, thì cơ quan thu phí vẫn thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này”. Nội dung này được sửa đổi tương tự cho phù hợp với Điều 50 Luật Thi hành án dân sự tại Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/9/2010, có hiệu lực kể từ ngày 06/11/2010, thay thế Thông tư liên tịch số 68/2008/TTLT-BTC-BTP nêu trên.
2. Đình chỉ thi hành án là việc cơ quan thi hành án ngừng hẳn việc thi hành bản án, quyết định dân sự khi có những căn cứ theo quy định của pháp luật. Đặc điểm của đình chỉ thi hành án là việc chấm dứt thi hành đối với các bản án, quyết định dân sự. Việc thi hành án sau khi bị đình chỉ sẽ không được đưa ra thi hành nữa, các bên đương sự cũng chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ của họ đã tuyên trong bản án, kể cả nghĩa vụ đối với Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cơ quan thi hành án chỉ ra quyết định đình chỉ thi hành án khi có những căn cứ theo quy định của pháp luật.
Điều 50 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định các trường hợp thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án trong đó có các trường hợp do nguyên nhân khách quan, như: Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ; người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế; người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác… Các trường hợp trên, có trường hợp người được thi hành án không còn quyền yêu cầu (đối với phần bản án, quyết định đã bị hủy) hoặc không thể yêu cầu (do người phải thi hành án chết mà không để lại di sản hoặc nghĩa vụ thi hành án không được chuyển giao cho người khác).
Bên cạnh đó, Luật Thi hành án dân sự cũng quy định trường hợp cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án khi đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba (điểm c khoản 1 Điều 50). Trong trường hợp này, các bên đương sự vẫn được quyền tiếp tục thi hành án không thông qua cơ quan thi hành án dân sự.
Liên quan đến vấn đề này, khoản 1 Điều 35 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh quy định: Cùng một nội dung yêu cầu, cùng một thời điểm, người yêu cầu chỉ có quyền làm đơn yêu cầu một Văn phòng Thừa phát lại hoặc cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án. Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định về việc Văn phòng Thừa phát lại không được thụ lý các vụ việc thi hành án cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định đình chỉ thi hành án.
Vì vậy, đối với trường cơ quan thi hành án đã ra quyết định đình chỉ thi hành án do người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án thì sau đó họ vẫn có quyền yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành.