Giải đáp thủ tục cấn trừ nợ bằng tài sản thế chấp
Nội dung chính
Liên quan đến việc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm, Điều 11 Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN quy định: “Trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận về việc xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm thì thực hiện như sau: Trường hợp tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, sau khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm có trách nhiệm nộp hồ sơ chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 12 của Thông tư này. Hợp đồng bảo đảm hoặc văn bản thỏa thuận khác về việc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm được sử dụng thay thế cho hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm”.
Theo quy định nêu trên, ngân hàng cần lưu ý:
- Thứ nhất, các bên phải có thỏa thuận về việc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
- Thứ hai, thỏa thuận đó có thể được thể hiện ngay trong hợp đồng bảo đảm hoặc có thể được thể hiện tại văn bản thỏa thuận riêng trước thời điểm xử lý hoặc tại thời điểm tiến hành xử lý tài sản bảo đảm.
- Thứ ba, pháp luật không quy định cụ thể nội dung thỏa thuận và tên gọi của văn bản thỏa thuận mà do các bên tự quyết định soạn thảo (có thể là “văn bản thỏa thuận”, cũng có thể là “văn bản thỏa thuận nhận chính tài sản bảo đảm”, “văn bản về việc nhận chính tài sản bảo đảm”…).
Như vậy, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 11, đoạn 1 khoản 2 Điều 12 của Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN, nếu ngân hàng và khách hàng có thỏa thuận về việc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm (được thể hiện tại hợp đồng bảo đảm hoặc văn bản thỏa thuận) thì không phải ký hợp đồng chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.