Dự toán chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu cho nhiệm vụ khoa học công nghệ

Dự toán chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu cho nhiệm vụ khoa học công nghệ được quy định như thế nào? Tôi đang tìm hiểu quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước. Cho tôi hỏi: Dự toán chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu cho nhiệm vụ khoa học công nghệ được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định về vấn đề này?

Nội dung chính

    Theo quy định tại Khoản 6 Điều 7 Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN về hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính ban hành thì dự toán chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu cho nhiệm vụ khoa học công nghệ được quy định như sau: 

    Dự toán chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê. Nội dung chi cụ thể là (Điều 3):

    1. Chi xây dựng phương án điều tra thống kê: tùy theo quy mô, tính chất, khối lượng các chỉ tiêu của từng cuộc điều tra, cơ quan, đơn vị xây dựng phương án điều tra (gồm đề cương tổng quát và đề cương chi tiết) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (sau khi có ý kiến thẩm định phương án điều tra của Tổng cục Thống kê theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 40/2004/NĐ-CP).

    2. Chi lập mẫu phiếu điều tra được chủ dự án duyệt.

    3. Chi điều tra thử để hoàn thiện phương án điều tra.

    4. Chi hội thảo nghiệp vụ chuyên môn, lấy ý kiến chuyên gia các ngành liên quan (nếu có), thẩm định phương án điều tra, nghiệm thu về phương án điều tra và nội dung phiếu điều tra, báo cáo kết quả điều tra.

    5. Chi xây dựng sổ tay nghiệp vụ cho điều tra viên (nếu có).

    6. Chi in ấn tài liệu hướng dẫn, sổ tay nghiệp vụ cho điều tra viên, phiếu điều tra, biểu mẫu phục vụ điều tra, kết quả điều tra, xuất bản ấn phẩm điều tra (nếu có). Số lượng tài liệu in đủ để phục vụ cho các đối tượng tham gia cuộc điều tra và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý. Việc in ấn tài liệu, phiếu, biểu mẫu điều tra, sổ tay nghiệp vụ cho điều tra viên phải thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước.

    7. Chi tập huấn nghiệp vụ điều tra cho các điều tra viên (nếu có).

    8. Chi điều tra:

    a) Chi công tác phí cho người tham gia điều tra, phúc tra, kiểm tra, giám sát.

    b) Thuê điều tra viên (đối với trường hợp phải thuê ngoài).

    c) Thuê người phiên dịch tiếng dân tộc kiêm dẫn đường, thuê người dẫn đường không phải phiên dịch: khoản chi này chỉ áp dụng cho các địa bàn điều tra thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao, vùng sâu, điều tra viên không sinh sống tại địa bàn điều tra hoặc không biết tiếng dân tộc nên cần có người địa phương dẫn đường, phiên dịch.

    d) Chi cho đối tượng cung cấp thông tin, tự điền phiếu điều tra.

    đ) Phân tích mẫu điều tra (nếu có).

    9. Chi vận chuyển tài liệu điều tra (nếu có), thuê xe cho cán bộ, điều tra viên đi thực địa để điều tra.

    10. Chi xử lý kết quả điều tra gồm: nghiệm thu phiếu, kiểm tra, đánh mã số, làm sạch và hoàn thiện phiếu điều tra; xây dựng phần mềm tin học để nhập tin và xử lý, tổng hợp số liệu kết quả điều tra. Trường hợp phải thuê đơn vị bên ngoài nhập tin và xử lý, tổng hợp số liệu thì cơ quan chủ trì điều tra thực hiện theo quy định về đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước và đảm bảo thủ tục hợp đồng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

    11. Chi thuê chuyên gia phân tích, đánh giá kết quả điều tra (nếu cần thiết). Số lượng chuyên gia do cơ quan chủ trì điều tra quyết định, nhưng tối đa không quá 5 chuyên gia cho một cuộc điều tra.

    12. Chi viết báo cáo kết quả điều tra: Tùy theo tính chất, quy mô của cuộc điều tra, cơ quan chủ trì điều tra quyết định chi viết báo cáo tổng hợp (bao gồm báo cáo chính và báo cáo tóm tắt); báo cáo phân tích theo chuyên đề.

    13. Chi công bố kết quả điều tra: Tùy theo tính chất và sự cần thiết của cuộc điều tra, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc công bố kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo cơ quan chức năng hoặc tổ chức hội nghị để công bố.

    14. Các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến công tác điều tra như:

    a) Văn phòng phẩm, thông tin liên lạc.

    b) Biên dịch tài liệu nước ngoài phục vụ điều tra.

    c) Làm ngoài giờ.

    d) Chi khác.

    Trên đây là nội dung tư vấn về dự toán chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu cho nhiệm vụ khoa học công nghệ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN.

    Trân trọng!      

    283