Đối với pháp nhân phạm tội đầu cơ, theo quy định của Bộ Luật hình sự 2015, pháp nhân sẽ bị xử lý như thế nào?

Đối với pháp nhân phạm tội đầu cơ, theo quy định của Bộ Luật hình sự 2015, pháp nhân sẽ bị xử lý như thế nào và phải chịu những hình phạt gì? Dấu hiệu pháp lý là gì?

Nội dung chính

    Đối với pháp nhân phạm tội đầu cơ, theo quy định của Bộ Luật hình sự 2015, pháp nhân sẽ bị xử lý như thế nào?

    Theo quy định tại Điều 196 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì:

    1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
    a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
    b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
    ...
    5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
    a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
    b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
    c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
    d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

    Giải thích: 

    Đầu cơ được hiểu là hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính.

    - Dấu hiệu pháp lý:

    Chủ thể: Là bất kỳ ai đủ năng lực trách nhiệm hình sự (bao gồm cả pháp nhân thương mại).

    Khách thể: Xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế và các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.

    Mặt khách quan: Hành vi mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính. Người phạm tội có thể lợi dụng tình hình khan hiếm do điều kiện hoàn cảnh nhất định như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh... hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo.

    Mặt chủ quan: Hành vi phạm tội với lỗi cố ý.

    Hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại:

    - Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.

    - Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng.

    Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

    Trên đây là nội dung tư vấn về hình phạt tội đầu cơ áp dụng đối với pháp nhân thương mại. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Bộ Luật hình sự 2015.

    Trân trọng! 

    10