Đối với pháp nhân bị phát hiện sản xuất, buôn bán hàng cấm, hình phạt nào sẽ được áp dụng theo Bộ Luật Hình sự 2015?

Đối với pháp nhân bị phát hiện sản xuất, buôn bán hàng cấm, hình phạt nào sẽ được áp dụng theo Bộ Luật Hình sự 2015, và các biện pháp khác ngoài phạt tù có thể được áp dụng hay không?

Nội dung chính

    Đối với pháp nhân bị phát hiện sản xuất, buôn bán hàng cấm, hình phạt nào sẽ được áp dụng theo Bộ Luật Hình sự 2015?

    Theo quy định tại Điều 190 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì:

    1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
    a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
    b) Hàng phạm pháp khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
    c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
    d) Hàng phạm pháp khác trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
    đ) Buôn bán hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
    ...
    5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
    a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
    b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
    c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
    d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
    đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

    Giải thích: 

    Sản xuất  hàng cấm, được hiểu là hành vi làm ra hàng cấm bằng bất kỳ phương pháp nào, kỹ thuật công nghệ nào.

    Buôn bán hàng cấm, được hiểu là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các giấy tờ có giá trị như tiền để trao đổi lấy hàng cấm hoặc ngược lại.

    - Dấu hiệu pháp lý: 

    Khách thể: Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến chế độ quản lý đối với các loại hàng hoá mà Nhà nước cấm lưu thông (kinh doanh).

    Chủ thể: Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

    Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:

    +  Về hành vi

    Đối với tội sản xuất hàng cấm: Có hành vi làm ra các sản phẩm vật chất để đưa vào lưu thông trên thị trường (nhưng thuộc đối tượng bị Nhà nước cấm) thông qua các phương tiện kỹ thuật, công cụ thô sơ… và kết hợp với kỹ thuật hiện đại hoặc phương pháp thủ công đơn giản.

    Đối với tội buôn bán hàng cấm: Có hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các giấy tờ có giá trị như tiền để trao đổi giữa bên mua và bên bán. Bên bán nhận được một khoản tiền, tài sản hoặc giấy tờ có giá trị khác. Còn bên mua nhận hàng cấm hoặc ngược lại để thu lợi bất chính.

    Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện các tội phạm nêu trên với lỗi cố ý.

    - Hình phạt áp dụng:

    Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

    Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng pháp nhân thương mại có thể bị bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

    Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

    Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

    Trên đây là nội dung tư vấn về hình phạt tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Bộ Luật hình sự 2015.

    Trân trọng! 

    7