Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Đối tượng nào được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam?

Đối tượng nào được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này?

Nội dung chính

    Đối tượng nào được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam?

    Đối tượng được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán được hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư 297/2016/TT-BTC về cấp, quản lý và sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó:

    - Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán được cấp cho công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 60 Luật Kế toán 2015.

    - Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau đây:
    + Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật;
    + Có ít nhất hai thành viên góp vốn là kế toán viên hành nghề;
    + Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn phải là kế toán viên hành nghề;
    + Bảo đảm tỷ lệ vốn góp của kế toán viên hành nghề trong doanh nghiệp, tỷ lệ vốn góp của các thành viên là tổ chức theo quy định của Chính phủ.
    - Công ty hợp danh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau đây:
    + Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật;
    + Có ít nhất hai thành viên hợp danh là kế toán viên hành nghề;
    + Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty hợp danh phải là kế toán viên hành nghề.
    - Doanh nghiệp tư nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau đây:
    + Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật;
    + Có ít nhất hai kế toán viên hành nghề;
    + Chủ doanh nghiệp tư nhân là kế toán viên hành nghề và đồng thời là giám đốc.
    - Chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau đây:
    + Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật của nước nơi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài đặt trụ sở chính;
    + Có ít nhất hai kế toán viên hành nghề, trong đó có giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh;
    + Giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài không được đồng thời giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp khác tại Việt Nam;
    + Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài phải có văn bản gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.
    - Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc trong trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đã bị thu hồi thì doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo ngay cho cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục xóa cụm từ “dịch vụ kế toán” trong tên gọi của doanh nghiệp, chi nhánh.

    Trên đây là trả lời về đối tượng được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, được quy định tại Thông tư 297/2016/TT-BTC. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

    9