Đối chất có bắt buộc tiến hành để thu thập chứng cứ không? Nguyên đơn không gửi tài liệu, chứng cứ cho bị đơn thì phải làm sao?

Đối chất có bắt buộc tiến hành để thu thập chứng cứ không? Nguyên đơn không gửi tài liệu, chứng cứ cho bị đơn thì phải làm sao? Thẩm phán có quyền thu thập chứng cứ bổ sung trong giai đoạn xét xử phúc thẩm không?

Nội dung chính

    Đối chất có bắt buộc tiến hành để thu thập chứng cứ không?

    Khi giải quyết các vụ án dân sự, đối chất giữa các đương sự thường được tiến hành để thu thập tài liệu, chứng cứ. Vậy xin hỏi việc đối chất này có phải là bắt buộc hay không? Và việc đối chất này pháp luật tố tụng quy định thế nào?

    Trả lời:

    Điểm b Khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có quy định:

    Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, Tòa án có thể tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng để thu thập tài liệu, chứng cứ.

    Như vậy, theo quy định này thì việc đối chất không mang tính bắt buộc. Xét thấy việc đối chất sẽ mang lại lợi ích cho việc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết vụ án thì Tòa án sẽ tiến hành đối chất. Hiện nay, biện pháp này được sử dụng khá phổ biến trong quá trình giải quyết vụ án.

    Điều 100 Bộ luật này có quy định về đối chất như sau:

    Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy có mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng, Thẩm phán tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng hoặc giữa những người làm chứng với nhau.

    Việc đối chất phải được lập thành biên bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia đối chất.

    Nguyên đơn không gửi tài liệu, chứng cứ cho bị đơn thì phải làm sao?

    Tôi xin được hỏi như sau: Tôi là bị đơn trong vụ án dân sự, nguyên đơn đã giao nộp tài liệu chứng cứ cho Tòa rồi mà không gửi cho tôi. Tôi đã tới nhà yêu cầu nhưng vẫn không được. Bây giờ, tôi muốn xem và nhận được tài liệu đó thì nên làm thế nào?

    Trả lời:

    Căn cứ Khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố dụng dân sự 2015 quy định như sau:

    2. Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp cho mình hoặc đề nghị Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn.

    Đương sự yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh; tài liệu, chứng cứ cần thu thập; lý do mình không tự thu thập được; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần thu thập.

    Như vậy, trong trường hợp này bạn làm đơn đề nghị Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ và gửi lại cho bạn nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định.

     

    Thẩm phán có quyền thu thập chứng cứ bổ sung trong giai đoạn xét xử phúc thẩm không?

    Tổ tư vấn cho tôi hỏi: Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định cụ thể về quyền thu thập chứng cứ bổ sung của Thẩm phán ở giai đoạn phúc thẩm mà chỉ quy định về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm tại Điều 287 của Bộ luật này. Vậy, Thẩm phán có quyền thu thập chứng cứ bổ sung trong giai đoạn xét xử phúc thẩm không? Mong nhận được phản hồi.

    Trả lời:

    Khoản 2 và Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc xác minh, thu thập chứng cứ như sau:

    “2. Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:

    a) Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;

    b) Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng;

    c) Trưng cầu giám định;

    d) Định giá tài sản;

    đ) Xem xét, thẩm định tại chỗ;

    e) Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;

    g) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự;

    h) Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú;

    i) Các biện pháp khác theo quy định của Bộ luật này.

    4. Trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm, Thẩm tra viên có thể tiến hành các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ quy định tại các điểm a, g và h khoản 2 Điều này.”

    Điều 304 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

    “Việc tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 259 của Bộ luật này”.

    Theo Điểm c Khoản 1 Điều 259 của Bộ luật này thì trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi “cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa ”.

    Khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 không giới hạn việc thu thập chứng cứ của Tòa án ở giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm mà chỉ giới hạn việc thu thập chứng cứ ở giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm.

    Thực tế, nếu tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ chưa đủ căn cứ để giải quyết vụ án thì Thẩm phán vẫn tiến hành thu thập bổ sung.

    Do vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên thì Thẩm phán có quyền tiến hành thu thập chứng cứ bổ sung ở giai đoạn xét xử phúc thẩm.

    Lưu ý: Trên đây cũng là nội dung được hướng dẫn tại Mục 1 Phần III Công văn 212/TANDTC-PC 2019.

    Trên đây là nội dung hỗ trợ.

    Trân trọng!

    28