Điều kiện của cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất?
Nội dung chính
Điều kiện của cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất về điều kiện của cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất như sau:
- Bảo đảm các quy định tại khoản 4 Điều 125 Luật Đất đai 2024, cụ thể:
+ Cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại Điều 119 và Điều 120 Luật Đất đai 2024;
+ Cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
- Trường hợp cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải cam kết thành lập tổ chức kinh tế bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP . Việc thành lập tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan.
Điều kiện của cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất? (Hình từ Internet)
Điều kiện của tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất?
Tại khoản 1 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất về điều kiện tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất như sau:
- Bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 125 Luật Đất đai 2024, cụ thể:
+ Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 Luật Đất đai 2024;
+ Bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 122 Luật Đất đai 2024 đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư; có năng lực, kinh nghiệm trong việc phát triển dự án;
+ Điều kiện khác theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
- Nhóm công ty là tập đoàn kinh tế hoặc công ty mẹ, công ty con theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi tham gia đấu giá một thửa đất, khu đất hoặc một dự án gồm một hoặc nhiều thửa đất thì phải thỏa thuận để cử một công ty thuộc nhóm công ty tham gia đấu giá quyền sử dụng đất;
- Phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất;
- Không thuộc đối tượng bị cấm tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật;
- Đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản khác.
Đấu giá quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng vào mục đích công ích như thế nào?
Theo căn cứ tại Điều 56 Nghị định 102/2024/NĐ-CP về đấu giá quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng vào mục đích công ích, cụ thể:
(1) Ủy ban nhân dân cấp xã lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
(2) Việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 55 Nghị định 102/2024/NĐ-CP như sau:
- Lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm những nội dung chính sau đây:
+ Vị trí, diện tích, loại đất, tài sản gắn liền với các thửa đất, khu đất đấu giá (nếu có);
+ Hình thức giao đất, cho thuê đất, thời hạn sử dụng của các thửa đất, khu đất khi đấu giá quyền sử dụng đất;
+ Dự kiến thời gian tổ chức thực hiện đấu giá;
+ Đối tượng và điều kiện được tham gia đấu giá;
+ Chi phí tổ chức thực hiện việc đấu giá;
+ Dự kiến giá khởi điểm, khoản tiền đặt trước phải nộp khi tham gia đấu giá và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật;
+ Các nội dung khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.
- Thẩm định, phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất
+ Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện thì cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất;
+Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất.
+ Trong đó hình thức cho thuê đất là Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm và giá khởi điểm được xác định theo bảng giá đất hằng năm.
- Xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất
+ Đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ của các thửa đất, khu đất đấu giá. Hồ sơ gồm: thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chi tiết liên quan đến thửa đất đấu giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trích lục bản đồ địa chính hoặc mảnh trích đo bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất đấu giá trong trường hợp chưa có bản đồ địa chính;
+ Cơ quan có chức năng quản lý đất đai tổ chức xác định giá khởi điểm theo quy định của pháp luật.
(3) Việc thuê đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 nhưng bảo đảm nguyên tắc thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản không được vượt quá 10% giá trị quyền sử dụng đất công ích cho thuê.
(4) Trường hợp không lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản 2016 thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất quyết định thành lập Hội đồng đấu giá tài sản để đấu giá quyền sử dụng đất công ích theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016.
(5) Người trúng đấu giá ký hợp đồng thuê đất với Ủy ban nhân dân cấp xã; nộp tiền thuê đất theo hợp đồng đã được ký kết.