Diện tích tối thiểu được tách thửa đất tại Quận 10 TPHCM là bao nhiêu?
Nội dung chính
Diện tích tối thiểu được tách thửa đất tại Quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh là bao nhiêu?
Ngày 31/10/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 100/2024/QĐ-UBND TPHCM, trong đó quy định chi tiết về các điều kiện cần thiết để tách thửa và hợp thửa đất, cũng như diện tích tối thiểu phải có để thực hiện việc này trên địa bàn thành phố. Quyết định này nhằm thiết lập cơ sở pháp lý vững chắc, giúp hướng dẫn và quản lý hiệu quả các hoạt động chia tách hoặc hợp nhất thửa đất.
Theo đó, căn cứ tại Điều 4 Quyết định 100/2024/QĐ-UBND TPHCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đất tại Quận 10 như sau:
- Đối với đất ở: Diện tích thửa đất ở hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu 36m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 03m.
- Đối với thửa đất nông nghiệp: Diện tích tối thiểu được tách thửa phải đảm bảo:
+ 500m2 đối với đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác.
+ 1.000m2 đối với đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất chăn nuôi tập trung.
Diện tích tối thiểu được tách thửa đất tại Quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Tách thửa đất có cần đăng ký biến động đất đai, cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 101/2024/NĐ-CP như sau:
Các trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
1. Hợp thửa đất hoặc tách thửa đất.
2. Người thuê, thuê lại quyền sử dụng đất của nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng.
3. Dự án đầu tư có sử dụng đất mà điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc trường hợp chủ đầu tư dự án đã được cấp Giấy chứng nhận cho toàn bộ diện tích đất thực hiện dự án mà có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho từng thửa đất theo quy hoạch xây dựng chi tiết đã được phê duyệt.
4. Chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận.
5. Thay đổi toàn bộ các thông tin thửa đất do đo đạc lập bản đồ địa chính; thay đổi diện tích đất ở do xác định lại diện tích đất ở theo quy định tại khoản 6 Điều 141 của Luật Đất đai.
6. Các trường hợp đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà trên Giấy chứng nhận đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thay đổi hoặc trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Theo đó, tách thửa đất thuộc trường hợp phải đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Hồ sơ đề nghị tách thửa đất bao gồm các giấy tờ gì?
Khi đề nghị tách thửa đất thì người sử dụng đất cần nộp các loại giấy tờ được quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 101/2024/NĐ-CP bao gồm:
- Đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất theo Mẫu số 01/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP;
- Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất lập theo Mẫu số 02/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP do Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện hoặc do đơn vị đo đạc có Giấy phép về hoạt động đo đạc, thành lập bản đồ địa chính thực hiện;
- Giấy chứng nhận đã cấp hoặc bản sao Giấy chứng nhận đã cấp kèm bản gốc để đối chiếu hoặc nộp bản sao có công chứng, chứng thực;
- Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền có thể hiện nội dung tách thửa đất, hợp thửa đất (nếu có).
Quyết định 100/2024/QĐ-UBND TPHCM có hiệu lực từ ngày 31/10/2024.