Đất tái định cư có được chuyển nhượng không? Đất tái định cư có phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định mới nhất không?
Nội dung chính
Đất tái định cư có được chuyển nhượng không?
Tại khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024, có quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất như sau:
Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
d) Trong thời hạn sử dụng đất;
đ) Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Theo đó, khi muốn chuyển nhượng đất tái định cư, thì cần đáp ứng 5 điều kiện sau:
- Có Giấy chứng nhận đất tái định cư cần chuyển nhượng;
- Đất tái định cư không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất tái định cư không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Đất tái định cư còn thời hạn sử dụng đất.
- Quyền sử dụng đất tái định cư không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Vì vậy, người được nhà nước bồi thường đất tái định cư hoàn toàn có quyền chuyển nhượng nó cho người khác khi đáp ứng đủ điều kiện nêu trên.
Đất tái định cư có được chuyển nhượng không? Đất tái định cư có phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định mới nhất không? (hình ảnh từ Internet)
Đất tái định cư có phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định mới nhất không?
Theo quy định tại Điều 119 Luật Đất đai 2024, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất khi là một trong các trường hợp sau:
(1) Cá nhân được giao đất ở
(2) Tổ chức kinh tế được giao để để làm dự án xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang; dự án đầu tư cải tạo nhà chung cư; thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với cơ sở hạ tầng; xây dựng cơ sở lưu giữ tro cốt.
(3) Người gốc Việt định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện các dự án xây dựng nhà ở thương mại; sử dụng đất do nhận chuyển nhượng dự án bất động sản thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.
(4) Hộ gia đình, cá nhân gốc Việt định cư ở nước ngoài; tổ chức kinh tế và tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước bồi thương do thu hồi đất.
Như vậy, dù được Nhà nước giao đất thì không có nghĩa người dân được miễn tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất được tính thế nào còn được nêu rõ tại khoản 3 Điều 111 Luật Đất đai 2024 như sau:
Bố trí tái định cư
...
3. Giá đất tính tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư đối với người được bồi thường về đất ở, người được giao đất ở tái định cư trong trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất ở là giá đất được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp chưa có giá đất trong bảng giá đất thì phải bổ sung bảng giá đất để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất cho người được bố trí tái định cư. Người được bố trí tái định cư được ghi nợ nghĩa vụ tài chính về đất đai nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ.
Giá bán nhà ở tái định cư trong địa bàn cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Trường hợp bố trí nhà ở tái định cư tại đơn vị hành chính cấp huyện khác thì giá bán nhà ở tái định cư do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Như vậy, khi sử dụng đất tái định cư, người dân vẫn phải nộp tiền sử dụng đất. Giá đất tính tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư được tính theo giá đất trong bảng giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Giá đất tính tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư được áp dụng với những người được bồi thường về đất ở hoặc được giao đất ở tái định cư trong trường hợp không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở.
Trường hợp chưa có giá đất trong bảng giá đất thì cơ quan có thẩm quyền phải bổ sung bảng giá đất để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất cho người được bố trí tái định cư.
Đối tượng nào thuộc diện sẽ được bố trí nhà ở để phục vụ tái định cư?
Căn cứ khoản 1 Điều 35 Nghị định95/2024/NĐ-CP quy định đối tượng, điều kiện được bố trí nhà ở để phục vụ tái định cư như sau:
Đối tượng, điều kiện được bố trí nhà ở để phục vụ tái định cư
1. Đối tượng thuộc diện được bố trí nhà ở để phục vụ tái định cư bao gồm:
a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhà ở hợp pháp thuộc diện bị giải tỏa khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Hộ gia đình, cá nhân bị Nhà nước thu hồi đất ở gắn với nhà ở và phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai và không có chỗ ở nào khác;
c) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật Nhà ở;
...
Như vậy, đối tượng thuộc diện được bố trí nhà ở để phục vụ tái định cư bao gồm:
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhà ở hợp pháp thuộc diện bị giải tỏa khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
- Hộ gia đình, cá nhân bị Nhà nước thu hồi đất ở gắn với nhà ở và phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai và không có chỗ ở nào khác
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quy định
- Hộ gia đình, cá nhân là người đang thuê nhà ở thuộc tài sản công thuộc diện bị Nhà nước thu hồi theo quy định, trừ trường hợp bị thu hồi do chiếm dụng nhà ở.