Đất chăn nuôi tập trung thuộc nhóm đất nào và phải tuân thủ quy định gì?
Nội dung chính
Đất chăn nuôi tập trung thuộc nhóm đất nào?
Tại khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định về phân loại đất như sau:
Phân loại đất
1. Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại bao gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng.
2. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm;
c) Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
d) Đất nuôi trồng thủy sản;
đ) Đất chăn nuôi tập trung;
e) Đất làm muối;
g) Đất nông nghiệp khác.
...
Theo quy định trên, đất chăn nuôi tập trung thuộc nhóm đất nông nghiệp.
Đất chăn nuôi tập trung (Hình từ Internet)
Đất chăn nuôi tập trung phải tuân thủ quy định nào?
Tại Điều 183 Luật Đất đai 2024 quy định về loại đất chăn nuôi tập trung như sau:
- Đất chăn nuôi tập trung là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.
- Việc sử dụng đất chăn nuôi tập trung phải tuân thủ các quy định sau đây:
+ Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, quản lý chất thải và biện pháp khác để không ảnh hưởng đến người sử dụng đất trong khu vực và xung quanh;
+ Trường hợp sử dụng đất chăn nuôi tập trung mà có xây dựng công trình gắn liền với đất thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng.
- Tổ chức kinh tế, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư chăn nuôi tập trung.
- Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật để thực hiện dự án chăn nuôi tập trung.
Ngoài ra để xác định loại đất có phải là đất chăn nuôi tập trung hay không thì theo Điều 10 Luật Đất đai 2024 có thể căn cứ vào các loại giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 137 của Luật này đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quy định tại điểm a khoản này.
- Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận.
Nội dung quản lý nhà nước về đất đai tại Luật Đất đai 2024 ra sao?
Theo Điều 20 Luật Đất đai 2024, nội dung quản lý nhà nước về đất đai bao gồm:
(1) Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.
(2) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng đất đai.
(3) Xác định địa giới đơn vị hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
(4) Đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất.
(5) Điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai.
(6) Lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
(7) Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
(8) Điều tra, xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất.
(9) Quản lý tài chính về đất đai.
(10) Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, trưng dụng đất.
(11) Phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất.
(12) Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận.
(13) Thống kê, kiểm kê đất đai.
(14) Xây dựng, quản lý, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
(15) Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
(16) Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.
(17) Cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ công về đất đai.
(18) Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.