Công tác địa chất điều tra tài nguyên khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025?
Nội dung chính
Công tác địa chất điều tra tài nguyên khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025?
Căn cứ theo Điều 14 Thông tư 21/2024/TT-BTNMT quy định công tác địa chất điều tra tài nguyên khoáng sản đất hiếm như sau:
(1) Đối với khoáng sản đất hiếm dạng hấp phụ ion
- Sử dụng bản đồ địa hình hệ tọa độ quốc gia cùng tỷ lệ điều tra hoặc lớn hơn. Định vị các điểm khảo sát, các công trình khoan tay, khai đào bằng GPS cầm tay;
- Lộ trình địa chất thu thập đầy đủ các thông tin về địa chất, địa mạo, cấu trúc, kiến tạo, thành phần vật chất, địa chất thủy văn - địa chất công trình, đặc điểm khoáng hóa kết hợp đo gamma mặt đất, phổ gamma mặt đất, xác định nhanh các nguyên tố sử dụng phương pháp phân tích XRF bằng thiết bị cầm tay; mạng lưới khảo sát thực hiện theo quy định tại Phụ lục 1 Thông tư 21/2024/TT-BTNMT;
- Công tác thu thập và thành lập tài liệu nguyên thủy thực hiện theo quy định hiện hành đối với điều tra vỏ phong hóa. Tại các vết lộ vỏ phong hóa, tiến hành:
- Phân chia các đới phong hóa theo đặc điểm, màu sắc, thành phần, xác định chiều dày của chúng.
- Xác định, phân chia các kiểu vỏ phong hóa và chiều dày trên các địa hình khác nhau.
- Phân chia các đới (tầng) phong hóa trong mỗi mặt cắt và lấy mẫu phân tích hàm lượng đất hiếm.
- Lấy mẫu rãnh theo từng đới phong hóa để xác định đặc điểm vỏ phong hóa và khả năng chứa đất hiếm.
- Lấy mẫu và phân tích mẫu thực hiện theo quy định kỹ thuật hiện hành;
- Khoanh định diện phân bố của các thành tạo địa chất, các loại đá gốc bị phong hóa có khả năng tạo quặng đất hiếm; khoanh định các khu vực phát triển vỏ phong hóa, đặc điểm, chiều dày vỏ phong hóa và đới khoáng hóa đất hiếm.
(2) Đối với khoáng sản đất hiếm nguyên sinh
- Lộ trình địa chất thực hiện theo quy định tại Phụ lục 1 Thông tư 21/2024/TT-BTNMT;
- Lấy mẫu và phân tích mẫu thực hiện theo quy định kỹ thuật hiện hành;
- Khoanh định diện phân bố của các thành tạo địa chất, đới khoáng hóa, thân quặng hoặc các yếu tố cấu trúc, kiến tạo, magma liên quan đến quặng hóa.
Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 21/2024/TT-BTNMT Tải về
Công tác địa chất điều tra tài nguyên khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025? (hình từ internet)
Tỷ lệ bản đồ địa chất vùng trong công tác địa chất thăm dò khoáng sản đất hiếm phải thể hiện ở tỷ lệ bao nhiêu từ 06/01/2025?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 32 Thông tư 21/2024/TT-BTNMT quy định:
Công tác địa chất
1. Thông qua việc lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:2.000, đan dày các loại công trình lấy mẫu và triển khai các công tác địa chất tương ứng, cần phải xác định chi tiết các điều kiện địa chất tạo khoáng và các quy luật nội tại, bao gồm:
a) Đặc điểm địa tầng: cần phải xác định chi tiết niên đại địa tầng, thứ tự địa tầng, tướng đá, đặc biệt cần nghiên cứu tầng chứa quặng về thạch học, tướng đá, môi trường trầm tích, cấu tạo trầm tích, đặc điểm địa hóa, hiểu rõ tính chất chứa quặng của chúng, phân tích mối quan hệ giữa quy luật biến đổi địa tầng với sự hình thành mỏ khoáng và phân bố không gian của thân quặng;
b) Đặc điểm cấu trúc: cần phải xác định chi tiết các cấu trúc chính khống chế và phá hủy thân quặng về quy mô, thế nằm, hình thái, quy luật phân bố và thứ tự hình thành; đối với các đứt gãy có tác động phá hủy lớn đến thân quặng cần đan dầy các công trình khống chế;
c) Đặc điểm magma: nghiên cứu chi tiết đặc điểm thạch học, cấu trúc kiến tạo, đặc điểm địa hóa các thành tạo magma có liên quan đến tạo khoáng, cần phải xác định chi tiết hình thái, dạng nằm, quy mô, phân bố không gian, tuổi thành tạo; làm rõ mối quan hệ của chúng với quá trình tạo khoáng;
d) Đặc điểm biến chất: cần phải xác định chi tiết các loại đá biến chất liên quan đến quá trình tạo khoáng về loại hình đá, thành phần, tuổi, tướng biến chất và mối quan hệ của chúng với quá trình tạo khoáng. Cần phải nghiên cứu chi tiết quá trình biến chất (hoặc quá trình migmatit hóa) liên quan đến quá trình tạo khoáng, cũng như các loại biến đổi của đá xung quanh về tổ hợp cộng sinh khoáng vật, cường độ, tính phân đới và mối quan hệ của chúng với quá trình tạo khoáng.
2. Đối với các mỏ quặng đất hiếm nguyên sinh, cần nghiên cứu chi tiết mức độ phát triển, phạm vi, độ sâu, sự phân đới, tổ hợp khoáng vật và quy luật biến đổi của đới (vỏ) phong hóa, cũng như các quá trình làm giàu và làm nghèo các nguyên tố đất hiếm tại bề mặt.
3. Đối với các mỏ quặng đất hiếm dạng hấp phụ ion, cần nghiên cứu chi tiết loại hình địa mạo, đặc điểm địa chất Đệ Tứ trong phạm vi phân bố của vỏ phong hóa; tập trung nghiên cứu mức độ phát triển và bảo tồn của vỏ phong hóa ở chân núi, sườn núi, đỉnh núi và sườn đồi, cũng như mối quan hệ giữa sự thay đổi độ dày của lớp phủ, tầng phong hóa hoàn toàn, tầng phong hóa mạnh, tầng bán phong hóa với quá trình tạo khoáng.
4. Bản đồ địa chất vùng phải thể hiện ở tỷ lệ 1:10.000 hoặc lớn hơn trên cơ sở bản đồ địa chất đã được điều tra ở tỷ lệ lớn nhất.
5. Hệ thống ký hiệu thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 49:2012-BTNMT ban hành kèm theo Thông tư số 23/2012/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền.
Như vậy, tỷ lệ bản đồ địa chất vùng phải thể hiện ở tỷ lệ 1:10.000 hoặc lớn hơn trên cơ sở bản đồ địa chất đã được điều tra ở tỷ lệ lớn nhất.
Các sản phẩm điều tra khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025?
Theo Điều 19 Thông tư 21/2024/TT-BTNMT quy định về sản phẩm điều tra tài nguyên khoáng sản đất hiếm như sau:
Sản phẩm điều tra tài nguyên khoáng sản đất hiếm
1. Báo cáo kết quả điều tra khoáng sản đất hiếm tỷ lệ 1:25.000 phải phản ánh đầy đủ, trung thực và khoa học các kết quả đạt được; đề xuất các khu vực có triển vọng chuyển sang đánh giá.
2. Các loại bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1:25.000; các loại sơ đồ, mặt cắt.
3. Hệ thống tài liệu nguyên thủy, mẫu vật thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này.
Như vậy, quy định trên nêu rõ các sản phẩm điều tra khoáng sản đất hiếm.
Thông tư 21/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ 06/01/2025