Con nuôi có được kết hôn với con đẻ không? Kết hôn có phải là hôn nhân?
Con nuôi có được kết hôn với con đẻ không? Kết hôn có phải là hôn nhân hay không? Hàng xóm có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật không?
Nội dung chính
Con nuôi có được kết hôn với con đẻ không?
Cho em hỏi vấn đề kết hôn như sau: Người em yêu lại là con nuôi của bố mẹ em từ nhỏ, vậy liệu em và cô ấy có kết hôn với nhau được không, về mặt pháp luật có cấm không ạ?
Trả lời:
Điểm d Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cấm hành vi sau đây:
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Và Khoản 17, 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có giải thích:
- Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
- Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
Căn cứ quy định trên thì pháp luật không cấm việc con nuôi kết hôn với con đẻ. Do đó bạn có thể kết hôn với bạn gái (là con nuôi của bố mẹ bạn) nếu cả 2 bạn đáp ứng các điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Con nuôi có được kết hôn với con đẻ không? Kết hôn có phải là hôn nhân?(Hình ảnh Internet)
Kết hôn có phải là hôn nhân hay không?
Dạ, em xin hỏi là kết hôn có phải là hôn nhân hay không? Nghĩa là hai khái niệm là một đúng không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì hôn nhân được hiểu là: quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn.
Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Như vậy, có thể thấy đây là 02 khái niệm khác nhau được điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân. Khi kết hôn, các bên nam nữ phải tuân thủ các điều kiện kết hôn và phải đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền thì việc kết hôn mới hợp pháp và giữa các bên nam nữ mới phát sinh quan hệ vợ chồng trước pháp luật.
Còn hôn nhân được xác lập từ thời điểm hai người xác lập mối quan hệ vợ chồng, hay nói cách khác là từ sau khi đăng ký kết hôn ở cơ quan có thẩm quyền.
Hàng xóm có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật không?
Dạ, em là hàng xóm của một người bạn, người bạn này em quen 03 năm về trước, thời điểm đó bạn ấy kết hôn khi mới 16 tuổi. Bây giờ, gia đình nhiều mâu thuẫn. Bạn đó, cũng không muốn sống chung với người kia nữa. Như vậy, em là quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật hay không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 2, Khoản 3 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật như sau:
Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 (TH trên là chưa đủ tuổi kết hôn) của Luật này:
- Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
- Hội liên hiệp phụ nữ.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên đối với việc kết hôn chưa đủ tuổi thì cơ quan, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật có thể: Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ. Còn đối với hàng xóm thì bạn không có quyền này mà bạn có thể đề nghị cơ quan, tổ chức nêu trên để yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.