Có được tính tiền công tác phí đi máy bay vào thuế thu nhập cá nhân hay không?

Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Tiền công tác phí đi máy bay có được tính vào thuế thu nhập cá nhân không? Các loại thu nhập nào được tính thuế thu nhập cá nhân?

Nội dung chính

    Tiền công tác phí đi máy bay có được tính vào thuế thu nhập cá nhân không?

    Tại Tiết đ.4 Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn về các khoản thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:

    đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,... cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:
    đ.4.1) Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
    đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
    đ.4.3) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài

    Tại Công văn 1166/TCT-TNCN năm 2016 hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân đối với tiền công tác phí như sau:

    ...
    Căn cứ các hướng dẫn nêu trên thì:
    - Về Khoản tiền công tác phí: Trường hợp các Khoản thanh toán tiền công tác phí như tiền vé máy bay, tiền lưu trú, tiền taxi và tiền ăn của các cá nhân đi công tác được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành thì các Khoản thanh toán tiền công tác phí này là Khoản thu nhập được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
    - Về Khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân: Trường hợp Khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân nếu được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thì Khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân là thu nhập được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN. Trường hợp đơn vị chi tiền điện thoại cho người lao động cao hơn mức khoán chi quy định thì phần chi cao hơn mức khoán chi quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

    Theo đó, tiền công tác phí đi máy bay của bạn là khoản tiền không được tính vào thuế thu nhập cá nhân. Do đó, công ty tính tiền công tác phí vào thuế thu nhập cá nhân của bạn là trái với quy định pháp luật.

    Có được tính tiền công tác phí đi máy bay vào thuế thu nhập cá nhân hay không?(Hình từ Internet)

    Các loại thu nhập nào được tính thuế thu nhập cá nhân?

    Tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 và Khoản 1, 2 Điều 2 Luật về thuế sửa đổi 2014 quy định về thu nhập chịu thuế như sau:

    Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:
    1. Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm:
    a) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
    b) Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
    Thu nhập từ kinh doanh quy định tại khoản này không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.
    2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:
    a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
    b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ
    3. Thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm:
    a) Tiền lãi cho vay;
    b) Lợi tức cổ phần;
    c) Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ.
    4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm:
    a) Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế;
    b) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán;
    c) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.
    5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm:
    a) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;
    b) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở;
    c) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước;
    d) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức.
    6. Thu nhập từ trúng thưởng, bao gồm:
    a) Trúng thưởng xổ số;
    b) Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại;
    c) Trúng thưởng trong các hình thức cá cược;
    d) Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.
    7. Thu nhập từ bản quyền, bao gồm:
    a) Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ;
    b) Thu nhập từ chuyển giao công nghệ.
    8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.
    9. Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
    10. Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
    Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.

    Như vậy, nếu bạn có thu nhập từ các nguồn nêu trên thì bạn phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.

    Mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là bao nhiêu?

    Tại Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 quy định về mức giảm trừ gia cảnh như sau:

    Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Khoản 1 Điều 19 của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13 như sau:

    1. Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);

    2. Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

    Do đó, mức giảm trừ đối với cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm).

    159
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ