Có được miễn thuế thu nhập cá nhân khi chồng tặng nhà cho vợ không?

Có được miễn thuế thu nhập cá nhân khi chồng tặng nhà cho vợ không?

Nội dung chính

    Có được miễn thuế thu nhập cá nhân khi chồng tặng nhà cho vợ không?

    Khoản 4 Điều 4 Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2007 quy định:

    Thu nhập được miễn thuế
    ...
    4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
    ...

    Căn cứ quy định trên, thu nhập từ việc được chồng tặng nhà thuộc một trong những thu nhập từ quà tặng là bất động sản được miễn thuế thu nhập cá nhân.

    Có được miễn thuế thu nhập cá nhân khi chồng tặng nhà cho vợ không?

    Có được miễn thuế thu nhập cá nhân khi chồng tặng nhà cho vợ không? (Hình từ Internet)

    Hợp đồng tặng nhà cho vợ có phải công chứng, chứng thực không?

    Hợp đồng tặng nhà cho vợ là hợp đồng tặng cho nhà ở theo quy định của pháp luật.

    Trong khi đó, khoản 1 và khoản 2 Điều 164 Luật Nhà ở 2023 quy định:

    Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở
    1. Trường hợp mua bán, thuê mua, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở thì phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
    Đối với giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm hoàn thành việc công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
    2. Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; mua bán, thuê mua nhà ở thuộc tài sản công; mua bán, thuê mua nhà ở mà một bên là tổ chức, bao gồm: nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; thuê, mượn, ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
    Đối với giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
    ...

    Căn cứ quy định trên, hợp đồng tặng nhà cho vợ phải được công chứng, chứng thực.

    Hợp đồng tặng nhà cho vợ có thể bị vô hiệu trong những trường hợp nào?

    Điều 407 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

    Hợp đồng vô hiệu
    1. Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.
    2. Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
    3. Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.

    Căn cứ quy định trên, hợp đồng tặng nhà cho vợ có thể bị vô hiệu trong các trường hợp như sau:

    (1) Hợp đồng tặng nhà cho vợ vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;

    (2) Hợp đồng tặng nhà cho vợ vô hiệu do giả tạo

    (3) Hợp đồng tặng nhà cho vợ vô hiệu do người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện;

    (4) Hợp đồng tặng nhà cho vợ vô hiệu do bị nhầm lẫn;

    (5) Hợp đồng tặng nhà cho vợ vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

    (6) Hợp đồng tặng nhà cho vợ vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;

    (7) Hợp đồng tặng nhà cho vợ vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.

    Các bên tham gia giao dịch về nhà ở phải đáp ứng các điều kiện gì?

    Điều 161 Luật Nhà ở 2023 quy định:

    Điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở
    1. Bên bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải đáp ứng điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật về dân sự.
    2. Bên mua, thuê mua, thuê nhà ở, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế, nhận thế chấp, nhận góp vốn, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là cá nhân phải đáp ứng điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật về dân sự và thực hiện theo quy định sau đây:
    a) Nếu là cá nhân trong nước thì không bắt buộc phải có đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở được giao dịch;
    b) Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký cư trú tại nơi có nhà ở được giao dịch. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai.
    3. Bên mua, thuê mua, thuê nhà ở, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế, nhận thế chấp, nhận góp vốn, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là tổ chức thì phải đáp ứng điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật về dân sự và không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi thành lập; trường hợp là tổ chức nước ngoài thì còn phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này; nếu tổ chức được ủy quyền quản lý nhà ở thì còn phải có chức năng kinh doanh dịch vụ bất động sản và đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

    Như vậy, các bên tham gia giao dịch về nhà ở phải đáp ứng các điều kiện như trên.

    10