Có đòi lại được số tiền đã cho vay khi không có hợp đồng vay tài sản hay không?
Nội dung chính
Có đòi lại được số tiền đã cho vay khi không có hợp đồng vay tài sản hay không?
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Các bên tham gia hợp đồng vay tài sản có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng cho vay tài sản (nhưng không được trái với quy định của pháp luật).
Trong đó, Theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 thì bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý...
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì bên vay tiền có nghĩa vụ phải trả đủ tiền lại cho bên cho vay khi đến hạn trả nợ theo thỏa thuận của các bên.
Mà theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì bạn có cho người thân vay một số tiền, thỏa thuận sau 2 năm sẽ trả. Do đó, người này có nghĩa vụ phải trả lại số tiền đã vay cho bạn khi hết thời hạn vay hai năm. Tuy nhiên, bên vay tiền đã không thực hiện nghĩa vụ trả lại khoản vay và kéo dài đến nay đã nửa năm (6 tháng). Để lấy lại số tiền này bạn có thể khởi kiện người này ra Tòa án nhân dân để được giải quyết theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, Theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì khi khởi kiện ra Tòa án, tổ chức, cá nhân phải gửi kèm theo đơn khởi kiện ít nhất là các tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân đó đang bị xâm phạm để Tòa án có căn cứ xem xét thụ lý đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Mà theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn cho người thân vay tiền, thỏa thuận sau 2 năm sẽ trả nợ, nhưng không có làm giấy tờ gì có ghi nhận liên quan đến việc cho vay cũng như việc giao nhận tiền và thời hạn trả lại khoản vay.
Nhưng như đã đề cập ở trên, thì để khởi kiện ra Tòa án và được Tòa án thụ lý giải quyết thì bạn phải có cả, tài liệu, chứng cứ chứng minh về mối quan hệ vay và chứng minh được quyền lợi của bạn đang bị xâm phạm. Tuy nhiên, theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn cho người thân vay tiền mà không có giấy tờ vay mượn gì, nên hiện tại có thể thấy chưa có cơ sở để được Tòa án thụ lý đơn khởi kiện của bạn.
Theo quan điểm của chúng tôi, trong trường hợp này:
- Một là, bạn trình báo đến với chính quyền địa phương nơi người vay tiền của bạn đang cư trú để cơ quan này đứng ra hòa giải và lấy ý kiến của cả hai bên. Sau khi giải quyết, cơ quan này sẽ lập biên bản xác nhận quan hệ vay tiền giữa hai bên.
Sau đó, bạn có thể gửi đơn khởi kiện kèm biên bản xác nhận này đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vay tiền của bạn đang cư trú để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Hai là, bạn có thể thỏa thuận lại với bên vay tiền về thời hạn trả lại khoản vay và lập thành văn bản có ký xác nhận của hai bên có các thông tin về khoản vay, thời hạn trả lại khoản vay cuối cùng, lãi suất (nếu có).
Sau khi hết thời hạn thỏa thuận trong văn bản đã giao kết mà bên vay tiền vẫn không trả lại khoản vay thì bạn có thể gửi đơn khởi kiện kèm theo văn bản này đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vay tiền của bạn đang cư trú để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.