Chính thức được lựa chọn báo giá cao nhất để làm giá gói thầu trong lĩnh vực y tế từ ngày 27/02/2024? Chi phí cho Hội đồng tư vấn là bao nhiêu?

Chính thức được lựa chọn báo giá cao nhất để làm giá gói thầu trong lĩnh vực y tế? Chi phí cho Hội đồng tư vấn từ ngày 27/02/2024 là bao nhiêu?

Nội dung chính

    Chính thức được lựa chọn báo giá cao nhất để làm giá gói thầu trong lĩnh vực y tế từ ngày 27/02/2024?

    Tại điểm d khoản 2 Điều 16 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về giá gói thầu và thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu như sau:

    Giá gói thầu và thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu
    ...
    2. Căn cứ xác định giá gói thầu:
    Giá gói thầu được lập căn cứ theo một trong các thông tin sau:
    ...
    d) Tối thiểu 01 báo giá của hàng hóa, dịch vụ; khuyến khích thu thập nhiều hơn 01 báo giá; trường hợp có nhiều hơn 01 báo giá thì lấy giá trung bình của các báo giá.
    Đối với gói thầu mua thuốc; hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho thiết bị y tế: trên cơ sở yêu cầu chuyên môn, chủ đầu tư quyết định các tiêu chí kỹ thuật và tổ chức lấy báo giá. Chủ đầu tư đăng tải yêu cầu báo giá trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của chủ đầu tư hoặc Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý thiết bị y tế trong thời gian tối thiểu 10 ngày kể từ ngày thông tin đăng tải thành công. Trường hợp có từ 02 báo giá trở lên, chủ đầu tư được lựa chọn báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm thu thập báo giá bảo đảm công khai, minh bạch. [...]
    ...

    Như vậy, trường hợp có nhiều hơn 1 báo giá thì chủ đầu tư được lựa chọn báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn để làm giá gói thầu trong lĩnh vực y tế.

    Chi phí cho Hội đồng tư vấn là bao nhiêu?

    Tại khoản 8 Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ-CP có quy định chi phí cho Hội đồng tư vấn của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu được tính theo tỷ lệ phần trăm so với giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị như sau:

    - Giá dự thầu dưới 50 triệu đồng, tỷ lệ 0,03% nhưng tối thiểu là 5 triệu đồng;

    - Giá dự thầu từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng, tỷ lệ 0,025% nhưng tối thiểu là 15 triệu đồng;

    - Giá dự thầu từ 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng, tỷ lệ 0,02% nhưng tối thiểu là 25 triệu đồng;

    - Giá dự thầu từ 200 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ 0,015% nhưng tối thiểu là 40 triệu đồng và tối đa là 60 triệu đồng.

    Đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ, trường hợp nhà thầu có kiến nghị không được mở hồ sơ đề xuất về tài chính thì việc xác định chi phí cho Hội đồng tư vấn căn cứ vào giá gói thầu.

    Chính thức được lựa chọn báo giá cao nhất để làm giá gói thầu trong lĩnh vực y tế từ ngày 27/02/2024? Chi phí cho Hội đồng tư vấn là bao nhiêu?

    Chi phí lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được quy định như thế nào?

    Tại khoản 11 Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ-CP có quy định chi phí trong lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bao gồm:

    (1) Chi phí duy trì tên và hồ sơ năng lực của nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là 330.000 đồng cho 01 năm (đã bao gồm thuế GTGT).

    Nhà thầu nộp chi phí này kể từ năm thứ hai trở đi sau năm đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

    (2) Chi phí nộp hồ sơ dự thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là:

    - 330.000 đồng cho 01 gói thầu (đã bao gồm thuế GTGT) đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường;

    - 220.000 đồng cho 01 gói thầu (đã bao gồm thuế GTGT) đối với chào hàng cạnh tranh;

    (3) Chi phí đối với nhà thầu trúng thầu của gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường áp dụng đấu thầu qua mạng:

    - Đối với gói thầu không chia phần:

    Tính bằng 0,022% giá trúng thầu nhưng tối đa là 2 triệu đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).

    - Đối với gói thầu chia thành nhiều phần;

    Tổng chi phí nhà thầu trúng thầu đối với tất cả các nhà thầu trúng thầu không vượt mức tối đa là 2.200.000 đồng (đã bao gồm thuế GTGT).

    + Trường hợp giá trị của 0,022% nhân với tổng giá trúng thầu của gói thầu thấp hơn hoặc bằng 2.200.000 đồng thì:

    Chi phí nhà thầu trúng thầu của mỗi nhà thầu được tính bằng 0,022% tổng giá trị trúng thầu đối với các phần mà nhà thầu trúng thầu.

    + Trường hợp giá trị của 0,022% nhân với tổng giá trúng thầu của gói thầu vượt mức 2.200.000 đồng thì chi phí nhà thầu trúng thầu của mỗi nhà thầu được tính theo công thức sau:

    Chi phí nhà thầu trúng thầu (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) = 2.200.000 đồng x (tổng giá trị trúng thầu đối với các phần mà nhà thầu trúng thầu/tổng giá trúng thầu của gói thầu);

    - Chi phí kết nối chức năng bảo lãnh dự thầu điện tử giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với các tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa đơn vị vận hành, giám sát Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và các tổ chức, doanh nghiệp này.

    7